Một miếng đất bán nhiều lần

Bà Đặng Thị Ngọc Hạnh và hai người khác đến giờ vẫn tiếc nuối khi nhìn căn nhà của người khác dần được hoàn thiện trên đất mà mình đã mua. Nguyên do trước đây chủ đất đã bán một phần mảnh đất cho ba người nhưng sau đó tiếp tục đem đất đó bán cho người khác. Ba nạn nhân gõ cửa nhiều nơi để đòi quyền lợi nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả.

Mua đất nhưng chưa xong thủ tục

Bà Hạnh và hai người cùng cảnh cho hay năm 2004 mỗi người mua 60 m2 đất nông nghiệp trong tổng số gần 600 m2 đất của ông Trần Văn Thanh tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (TP.HCM). Hợp đồng mua bán có xác nhận của phường với nội dung hai bên có việc mua bán. Ít lâu sau, họ lên phường đề nghị làm thủ tục cập nhật biến động quyền sử dụng đất nhưng cán bộ phường cho biết ông Thanh đã thế chấp giấy tờ đất vào ngân hàng vay tiền nên chưa thể làm gì được.

Đến năm 2011, các ông bà phát hiện ông Thanh đã chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất ở toàn bộ lô đất rồi đem bán cho người khác. Người mua lại tiếp tục chuyển nhượng và hiện giờ những người mua sau cùng đang cất nhà.

Ông Nguyễn Như Dũng, người cùng mua đất với bà Hạnh đứng trước ngôi nhà xây trên khu đất mà họ đã mua. Ảnh: VH

Phường thiếu cập nhật

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Văn Rắc, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa, thừa nhận: “Việc chuyển nhượng từ ông Thanh cho bà H. và hai người mua trước đây đáng lý phường phải biết vì chính phường đã ký xác nhận mua bán. Tuy nhiên, năm 2004 là thời điểm mới thành lập phường nên việc cập nhật hồ sơ địa chính không được thực hiện trong một thời gian dài. Khi tôi về phường năm 2007 thì mới bắt đầu cho rà soát lại. Lúc đó chúng tôi cũng phát hoảng vì hồ sơ địa chính trống rất nhiều. Thật sự là chúng tôi vừa giải quyết hồ sơ nhà đất vừa run”.

Cũng theo ông Rắc, do hồ sơ không được cập nhật nên khi ông Thanh xin chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, phường vẫn xác nhận bình thường. “Phường có lỗi trong chuyện này. Vì nếu có cập nhật hồ sơ thì sẽ phát hiện ra ông Thanh đã bán đất cho ba người kia. Lúc đó cũng sẽ không có chuyện cho chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy tờ đất cho chủ đất để xảy ra hệ lụy như bây giờ” - ông Rắc thừa nhận.

Không thể lấy đất người mua ngay tình

Cũng về việc này, bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng Phòng TN&MT quận Bình Tân, cho hay tất cả hồ sơ địa chính đều bắt buộc phường phải cập nhật, cho dù người dân chưa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng. Do phường thiếu cập nhật nên khi làm thủ tục xác minh thực địa, quận không biết được miếng đất đó đã được bán.

Ông Lê Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cũng thừa nhận việc cho chuyển mục đích và cấp giấy cho ông Thanh là sai. Tuy nhiên, quận Bình Tân không thể thu hồi giấy chứng nhận vì ông Thanh đã chuyển nhượng hợp pháp cho người khác. Theo Luật Đất đai 2013, những người mua đất sau cùng không có lỗi, mặt khác việc mua bán là ngay tình, đúng pháp luật nên không thể thu hồi giấy chứng nhận đã cấp. Trong trường hợp này, quận cũng không có thẩm quyền thu hồi giấy mà phải qua phán quyết của tòa án.

“Các hộ dân đã khởi kiện ông Thanh ra tòa. Chúng tôi rất mong Tòa án quận Bình Tân sớm xét xử để trả lại quyền lợi cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong việc mua bán đất với ông Thanh” - ông Thinh nói.

Không khởi tố vụ án vì không có dấu hiệu lừa đảo

Ngay khi phát hiện hành vi bán đất của ông Thanh, bà Hạnh cùng các hộ liên quan đã gửi đơn tới Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Tân đề nghị xử lý ông Thanh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tháng 11-2013, Công an quận đã có quyết định không khởi tố vụ án hình sự do hành vi của ông Thanh không cấu thành tội phạm. Sau đó, VKSND quận cũng có cùng kết luận vì việc mua bán đất giữa ông Thanh và các hộ trên là quan hệ dân sự.

Bồi thường chứ không thể giao trả đất

Vụ việc của các đương sự tòa đã thụ lý. Chúng tôi sẽ sớm sắp xếp để xét xử vụ án này. Trong trường hợp nội dung khởi kiện của các hộ dân trên là đúng thì cũng không thể thu hồi giấy chứng nhận đã cấp cho người mua sau cùng vì giao dịch của bên thứ ba với ông Thanh là đúng pháp luật. Trường hợp này chỉ có thể giải quyết theo hướng ông Thanh phải bồi thường cho các hộ bị thiệt hại.

Ông LÊ QUANG PHONG, Phó Chánh án TAND
quận Bình Tân, TP.HCM

Phải nhanh chóng hoàn tất giấy tờ

Trong trường hợp này, thiếu sót của địa phương là đã không cập nhật hồ sơ địa chính dẫn đến hệ lụy như đã nêu. Quá trình khởi kiện tại tòa án, người dân có thể yêu cầu tòa xem xét trách nhiệm của các bên có nghĩa vụ liên quan như UBND phường, UBND quận trong vụ việc này. Cũng cần phải nói thêm, về phía người dân, lẽ ra sau khi giao dịch hợp đồng thì phải thực hiện các bước tiếp theo là thực hiện nghĩa vụ tài chính, đăng bộ sang tên tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, các hộ dân không thực hiện các bước tiếp theo nên thủ tục mua bán xem như vẫn chưa hoàn tất. Đây là điều mà người dân khi mua nhà đất phải lưu ý để tránh thiệt hại đáng tiếc như các trường hợp nêu trên.

Ông DƯ HUY QUANG, Chánh Thanh tra Sở TN&MT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm