Mùa săn nhân sự cấp cao

Biến động trái ngành

Giám đốc marketing ngành hàng tiêu dùng chuyển qua làm tiếp thị sản phẩm điện tử. Tổng giám đốc công ty bia đầu quân cho hãng sơn... Những chuyển động trái chiều cho thấy biến động mạnh trong thị trường tuyển dụng nhân sự cấp cao.

Xu hướng tuyển dụng trái ngành

Một trong những sự kiện chuyển đổi vị trí quản lý cấp cao đáng được quan tâm gần đây nhất là việc ông Phan Minh Tiên, nguyên Giám đốc Marketing Unilever Việt Nam về làm Giám đốc Marketing Samsung Vina.

Điều gây chú ý là ông Tiên quyết định ra đi khi đã có 17 năm kinh nghiệm làm marketing tại Unilever Việt Nam, và đang quản lý, phát triển các thương hiệu rất thành công là bột giặt OMO, trà Lipton, hạt nêm Knorr và kem Walls, để nhảy sang phụ trách ngành hàng thiết bị điện tử và di động hoàn toàn lạ lẫm.

Cũng không kém lý thú là chuyện ông David Teng, Tổng giám đốc Công ty Bia Việt Nam đã chính thức chuyển sang làm Tổng giám đốc Công ty Sơn AkzoNobel Việt Nam.

"Đón nhận những thử thách mới là một phần quan trọng trong quá trình phát triển bản thân và khám phá năng lực của mình, đó là lý do tôi quyết định chuyển công việc từ tổng giám đốc công ty bia - một ngành công nghiệp giải khát sang lĩnh vực sơn", ông Teng giải thích và lý giải thêm: "Giữa ngành sơn trang trí và ngành giải khát dường như hoàn toàn khác biệt, nhưng vẫn có những điểm tương đồng, đó là phát triển những con người tiềm năng, thiết lập thương hiệu vững mạnh và quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm cũng như trách nhiệm đối với người tiêu dùng".

Việc AkzoNobel quyết định "câu" tổng giám đốc công ty bia về công ty sơn của mình tại Việt Nam cũng có lý. Năm 2012, lĩnh vực sơn trang trí của Công ty bị ảnh hưởng bởi nhu cầu thị trường giảm sút ở khu vực châu Âu, trong khi đó, việc kinh doanh tại các thị trường có mức tăng trưởng cao như khu vực Đông Nam Á vẫn còn khá tích cực.

Do đó, trách nhiệm của ông Teng, một người rất am hiểu thị trường Việt Nam là phải tiếp tục duy trì vững thương hiệu và thị phần của AkzoNobel vốn đang ngày càng bị cạnh tranh gay gắt.

Lý giải về nhu cầu tuyển dụng nhân sự quản lý cấp cao trong thời điểm này, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Điều hành Công ty Navigos, cho rằng, trong thời kỳ khủng hoảng, các doanh nghiệp thường có kế hoạch cắt giảm hàng loạt nhân sự là nhân viên. Còn đối với nhân sự từ cấp trung trở lên, doanh nghiệp lại luôn cần đến họ để tiếp tục điều hành các hoạt động của công ty.

Đặc biệt là đối với nhân sự cấp cao, càng khó khăn thì họ càng cần đến người tài. Do vậy, các nhân sự cấp trung và cấp cao vẫn được tuyển dụng đều đặn. Các doanh nghiệp cũng cần phải chuẩn bị nhân sự tốt để đón đầu nền kinh tế hồi phục.

Cung vẫn không đủ cầu

Theo ghi nhận của Mạng cộng đồng các nhà quản lý (Anphabe) từ 11 công ty “săn đầu người” chuyên tuyển dụng nhân lực cấp cao cho hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam là Manpower, Harvey Nash, L&A, Infinity HR, RGF, Faro, Robert Walters, VTalent, Grey Finder, Career Planning, Talent Viet, tổng nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao cấp vẫn tăng trưởng trong năm 2013.

Trong 11 công ty trên, có 6 công ty dự báo thị trường tuyển dụng cao cấp tăng trưởng từ 10 - 20% trong vòng 6 -12 tháng tới.

Sáu ngành nghề có nhu cầu thu hút nhân sự cấp cao trong thời gian tới là hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm, giáo dục, sản xuất, chăm sóc sức khỏe và du lịch, dịch vụ.

Trong khi đó, một số ngành hiện dư lao động cục bộ sẽ giảm mạnh nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao cấp năm nay là ngân hàng, bất động sản, dịch vụ tài chính, xây dựng và công nghệ thông tin.

Tương ứng với đó, hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm và dầu khí là ba ngành trả lương cao nhất thời gian qua được dự báo vẫn duy trì mức tăng lương tốt.

Tiếp theo, ngành bán lẻ và thương mại điện tử cũng sẽ có mức tăng lương khả quan. Trong đó, bộ phận tiếp thị, bán hàng và tài chính thường có mức tăng lương cao nhất. Năm 2013, mức tăng lương sẽ tập trung ở cấp độ trưởng phòng, giám đốc.

Khảo sát còn cho thấy, thị trường sẽ chứng kiến một làn sóng chuyển việc lớn. Có tới 54% nhân sự cao cấp tham gia khảo sát có mong muốn tìm một công việc xứng tầm hơn.

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Vân Anh, cả doanh nghiệp lẫn công ty săn đầu người, tuyển dụng nhân sự cấp cao đều gặp khó vì nguồn cung không đủ cầu.

Nhân sự cấp cao của Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định khi hiểu về thị trường và văn hóa, nhưng cũng vẫn còn những điểm yếu như ngoại ngữ, không cởi mở và có khả năng “di động” như những nước láng giềng.

Do vậy, nhiều khi doanh nghiệp phải có lộ trình phát hiện, đào tạo những nhân sự trong nội bộ để đến thời điểm phù hợp, các nhân sự đó đảm nhận được vị trí cấp cao mà doanh nghiệp mong muốn.

Hoặc doanh nghiệp phải chấp nhận tuyển nhân sự cấp cao là người nước ngoài ngắn hạn để có thời gian đào tạo nhân sự cấp cao kế nhiệm... Dù trong tình huống nào thì doanh nghiệp cũng phải có những kế hoạch về nhân sự mang tính dài hạn.

Bà Vân Anh khẳng định: “Hiện tại chưa có thị trường nhân sự cấp cao tại Việt Nam một cách đúng nghĩa, mặc dù Việt Nam đã mở cửa hơn 20 năm. Nghĩa là chuyển động của thị trường nhân sự cấp cao tại Việt Nam diễn ra khá chậm so với các nước trong khu vực”.

Nhận định của đại diện Navigos hoàn toàn phù hợp với tình hình của doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao. Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam, cho biết, đối với lao động ở cấp quản lý tầm trung hiện nay, tuyển dụng thẳng không dễ vì trong ngành kỹ thuật, đòi hỏi phải có ngoại ngữ, mà những lao động có kinh nghiệm thì bị hạn chế về ngoại ngữ.

Tại Bosch Việt Nam hiện nay có khoảng 1.500 lao động, trong đó có 40 người nước ngoài, chủ yếu ở những vị trí quản lý cấp cao và cấp trung. Ông Huệ cho biết, hiện công ty có ba người được cử đi làm việc ở nước ngoài ba năm (chủ yếu là sang châu Âu) để hiểu về Bosch toàn cầu.

Họ có quyền mang theo gia đình, và Công ty sẽ hỗ trợ mọi thứ. Sau ba năm đó, họ sẽ quay lại Việt Nam làm việc, đây sẽ là những nhân sự quản lý cho Bosch Việt Nam.

Trong khối văn phòng của Bosch Việt Nam có khoảng 40 người đang làm việc, với 12 trong số đó là quản lý cấp trung. Đa phần quản lý cấp trung đều phải qua khóa đào tạo và làm việc hai năm ở Singapore để học hỏi kinh nghiệm...

Trong tháng 8/2013, Robert Bosch Việt Nam cũng đã bổ nhiệm một giám đốc kinh doanh bộ phận dịch vụ điện cầm tay. Đây là người Việt đầu tiên giữ vị trí này vì hai nhiệm kỳ trước đều là người nước ngoài. Người được bổ nhiệm là anh Bùi Anh Tuấn, đã gắn bó 4 năm với Bosch.

Dịch chuyển nóng

Ngành hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, logistics... đang cần tuyển hàng ngàn nhân sự vì tốc độ tăng trưởng tốt. Nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này cũng gặp khó vì nhu cầu quá cao.

Ông Jonah Levey, Chủ tịch HĐQT Công ty VietnamWorks, cho biết, nhu cầu lao động trực tuyến trong quý II/2013 đã gia tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực bán sỉ, bán lẻ tăng đột biến (85%); dược phẩm và công nghệ sinh học tăng 35%; bảo hiểm tăng 27%; dịch vụ khách hàng tăng 25% và tư vấn tăng 24%.

Trong khi đó, nhu cầu nhân lực về dầu khí, ngân hàng, xây dựng dân dụng, kiến trúc giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành ngân hàng đang trong thời kỳ khó khăn và phải cắt giảm nhân sự, nâng cao năng suất lao động và suy giảm cả nguồn cung nhân sự trên thị trường.

Theo thống kê của Navigos, ngành hàng tiêu dùng nhanh đang có nhu cầu tuyển dụng tăng, tuy thị trường này vẫn tăng trưởng chậm so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân là do ngành hàng này có sự dịch chuyển trong nhu cầu tiêu dùng, các nhà sản xuất một mặt vẫn tiếp tục giới thiệu các sản phẩm có giá tốt, mặt khác họ đang hướng tới các sản phẩm có giá trị cao cấp hơn, đảm bảo về sức khỏe và sự tiện lợi. Họ cần những nhân sự có kinh nghiệm trong mảng sản phẩm này.

Ông Paul Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty Career Builder Việt Nam, lại lưu ý nhu cầu tuyển dụng lớn của ngành logistics và công nghệ thông tin. Điều này đã được hai công ty lớn trong ngành xác nhận là FPT và DHL Supply Chain.

Ông Phạm Tú Cường, Giám đốc Nhân sự FPT Software, cho biết, trong năm 2013, FPT cần tuyển khoảng 2.300 - 2.500 nhân lực làm việc trong mảng IT.

Đơn cử như với riêng thị trường Mỹ, FPT liên tục tuyển dụng các vị trí chuyên gia kỹ thuật, cán bộ chất lượng, cán bộ kiểm thử, làm việc trong các dự án lớn cho các khách hàng là các hãng công nghệ lớn hàng đầu tại Mỹ, trong các lĩnh vực Cloud/Mobilility Computing, nhận diện giọng nói, sử dụng các công nghệ Java/J2EE, Spring/Hibernate/Webservices, iOS/Android...

Với các dự án này, từ nay đến cuối năm 2013, FPT cần tuyển thêm khoảng trên 200 người tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, với mức thu nhập lên đến 1.500 USD/tháng cho các vị trí Team Lead Java/J2EE Developer từ 3 - 5 năm kinh nghiệm; 2.500USD/tháng cho các vị trí Solution Architect; 1.000 USD/tháng cho các vị trí QA/Testing, Java/J2EE Develeoper.

Với các vị trí này, các ứng viên được chọn sẽ có cơ hội được cử sang Mỹ đào tạo ba tháng, sau đó là cơ hội được làm việc ngắn hoặc dài hạn tại Mỹ.

Với thị trường Nhật, FPT liên tục tuyển dụng các vị trí kỹ sư cầu nối là các chuyên gia kỹ thuật biết tiếng Nhật (BrSE), có kinh nghiệm làm việc với một trong các công nghệ Java/.NET/C,C++/PHP/iOS/Android. Các ứng viên trúng tuyển có cơ hội làm việc ngắn và dài hạn tại Nhật với mức thu nhập tới 3.000 USD/tháng. Với thị trường này, FPT cũng có nhu cầu tuyển dụng các vị trí phiên dịch viên tiếng Nhật, với mức thu nhập 1.500 USD/tháng.

Có nhu cầu "nóng" tương tự, bà Phan Thị Thanh Thủy, Giám đốc Nhân sự Công ty DHL Supply Chain, cho biết, bắt đầu từ 16/5/2013, khi Tập đoàn DHL công bố kế hoạch đầu tư 13 triệu USD từ nay đến năm 2015 vào công ty con DHL Supply Chain Việt Nam để phát triển hơn nữa dịch vụ chuỗi cung ứng tại Việt Nam, nhu cầu nhân sự liên tục gia tăng.

DHL Supply Chain dự kiến tăng số lượng nhân viên hơn 170%, tạo ra 1.400 việc làm, và đến năm 2015, công ty sẽ có 2.200 nhân viên tại Việt Nam. Chỉ riêng năm qua, từ khoảng 500 nhân sự, Công ty đã tăng lên 1.000 người. Hiện nhu cầu về nhân viên kinh doanh là cao nhất.

Tuy nhiên, theo bà Thủy, nhu cầu tuyển dụng cao, nhưng nhân sự đáp ứng về số lượng và chất lượng rất khó, vì đa phần nhân viên trong ngành này chưa có chuyên môn, mà hút người từ các công ty cùng lĩnh vực cũng không dễ.

Riêng người quản lý, tuyển dụng lại khó hơn vì đòi hỏi phải hiểu ngành, hiểu khách hàng, nhạy bén thị trường. Đại diện của DHL Supply Chain Việt Nam cho biết thêm, làm theo dự án, nên nhân sự tuyển dụng lại càng khó.

Ví dụ, một dự án chỉ có 2 - 3 tuần để chuẩn bị, thì việc kiếm một lúc 50 người không dễ. Những dự án trị giá 2 - 3 triệu USD, áp lực tuyển dụng lại càng lớn.

Tương tự, ông Phạm Tú Cường, Công ty FPT Software cho biết: "Nhu cầu cao nhưng khả năng đáp ứng của thị trường lao động hiện nay chưa đủ với nhu cầu của doanh nghiệp.

Số lượng sinh viên có chất lượng cao thiếu hụt nghiêm trọng. Hiện nay chúng tôi không có đủ nguồn sinh viên được đào tạo công nghệ thông tin có chất lượng cả về năng lực chuyên môn lẫn ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật) để tuyển dụng.

Với mục tiêu tăng trưởng từ 30 - 40% trong ba năm tới, FPT Software dự tính đến năm 2016 trở thành công ty xuất khẩu phần mềm có quy mô 10.000 người và doanh thu đạt 200 triệu USD.

Theo Mạnh Ý - Hải Quyên

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm