Lẽ ra có thể kiện để đòi đàn vịt

Bà Nguyễn Hồng Lan (ngụ khu vực Tân Quy, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho biết nhà bà có đàn vịt 13 con, do bị ốm nên bà nhốt trong chuồng để cho uống thuốc. Ngày 31-5-2014, người hàng xóm qua nhà bà tìm đàn vịt bị mất rồi quả quyết rằng đàn vịt bà nhốt trong chuồng là của nhà họ. Hai bên tranh cãi mãi không xong nên nhờ công an giải quyết.

Khổ vì bị mang tiếng trộm vịt

“Khi giải quyết, công an nói cứ thả vịt xem nó về nhà ai thì của nhà nấy. Tôi đồng ý nhưng thả ra thì vịt chỉ quanh quẩn trong sân nhà tôi. Sau đó người hàng xóm lùa vịt ra khỏi cổng, cho xuống mương. Khoảng nửa tiếng sau, vì đói nên vịt mới đi kiếm ăn và lội tới gần nhà người hàng xóm. Con của người này đổ lúa ra nên vịt kéo tới ăn. Vậy là công an nói vịt đó của nhà người hàng xóm. Công an xử vậy tôi không phục…” - bà Lan trăn trở.

Trong khi đó người hàng xóm bà Lan bảo rằng đây là vịt nhà mình. Khi bà qua chuồng vịt nhà bà Lan thì vịt cứ nhao lên, kêu inh ỏi vì nó nhận ra bà.

“Dẫu giá trị đàn vịt không lớn nhưng công an giải quyết vậy khiến tôi bị lối xóm nói là trộm cắp tài sản, bị mang tiếng, còn đâu danh dự, uy tín nữa. Nếu trộm vịt thì tôi phải giấu đi đâu đó chứ sao lại để trong chuồng nằm gần đường đi lại cho người ta thấy? Tôi đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải có cách xử lý khác, xem xét những đặc điểm của đàn vịt mà tôi nêu như vịt tôi đã xẻ chân từ nhỏ… để trả lại công bằng nhưng đến nay chưa cơ quan nào giải quyết thấu tình, đạt lý…” - bà Lan cho biết.

Bà Lan cho rằng nếu lấy trộm vịt thì bà phải giấu đi chứ không thể nhốt vào chuồng gần đường đi cho người khác thấy. Ảnh: N.NAM

Đã xử xong

Để tìm hiểu vụ việc, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với Công an phường Trường Lạc thì nơi này cho biết phải liên hệ với công an quận chứ họ không thể cung cấp thông tin.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Sơn - cán bộ phụ trách thanh tra công an quận nhìn nhận công an quận chỉ giữ một số biên bản làm việc xung quanh chuyện mất vịt. Mặt khác, vụ việc cũng đã được giải quyết bằng cách thả vịt ra xem vịt về nhà ai thì của người đó. Sau đó phường cũng phối hợp các ban ngành thống nhất là vịt không phải của bà Lan.

Ông Phạm Văn Chưởng - Chủ tịch UBND phường Trường Lạc cho biết thêm công an và phường cũng đã phối hợp xác minh, làm đầy đủ các bước để xác định vịt không phải của bà Lan. Việc thả vịt ra để tự tìm đường về là theo tập quán của địa phương, người dân vẫn làm như vậy. Nếu bà Lan không đồng tình với cách giải quyết của địa phương thì có thể khiếu nại, kiện ra tòa.

* * *

Theo lẽ thường, nếu thấy rằng cách giải quyết của cơ quan chức năng là chưa thỏa đáng, có thể gây thiệt hại cho mình thì bà Lan có thể chọn cách khác là khởi kiện ra tòa để nhờ tòa xác định xem ai là chủ đích thực của đàn vịt. Tuy nhiên, điều oái oăm ở đây là sau khi được xử thắng, nhà hàng xóm đã thịt hết các con vịt này. Như vậy, rất khó để bà Lan chứng minh đó là vịt của mình.

Một thẩm phán chuyên xử dân sự TAND TP.HCM cho rằng cách thả vịt chạy về nhà ai là của nhà đó cũng là một kinh nghiệm quý của dân gian để lại. Vịt thường đi theo đàn và biết tự về nhà mình dù trước đó có được lùa đi chung với nhà khác. Khi còn ở tòa án huyện, ông cũng từng xử vụ án liên quan đến đàn vịt như vậy. Tuy nhiên, việc thả vịt để tự chúng đi về còn chịu tác động của nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác.

Vì vậy việc tranh chấp giữa đôi bên nếu xảy ra phải do tòa án giải quyết, không thuộc thẩm quyền của công an xã. Khi thụ lý vụ án, ngoài việc dựa vào kinh nghiệm dân gian, tòa án còn điều tra, thu thập thêm chứng cứ làm sáng tỏ sự thật từ nhiều nguồn chứng cứ, nhân chứng khác nhau...

NĐ - HY ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm