Lao động rẻ không còn là lợi thế

Xu hướng sản xuất sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề cao sẽ khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu và hấp dẫn thị trường quốc tế.

Chính sách lao động nhiều bất cập

Ngày 23-6, Bộ LĐ-TB&XH, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã công bố báo cáo về "Xu hướng Lao động và Xã hội Việt Nam 2009 - 2010". Báo cáo do Viện Khoa học Lao động - Xã hội (ILSSA, thuộc Bộ LĐ-TB&XH) thực hiện từ tháng 4-2009. Cụ thể, ILSSA đã tiến hành một cuộc khảo sát về tác động của khủng hoảng kinh tế tới hệ thống doanh nghiệp và việc làm, thu nhập của người lao động. Trong đó đã điều tra tại gần 1.700 doanh nghiệp ở 16 tỉnh, đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước đã cho thấy rất nhiều bất cập trong chính sách lao động của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, cũng như những biện pháp đối phó của Chính phủ.

Lao động rẻ không còn là lợi thế ảnh 1

Lao động có trình độ cao, kỹ năng làm việc hiện đại sẽ đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội. (Trong ảnh: một buổi làm việc nhóm tại Công ty kiểm toán PKF Việt Nam)

“Không ngạc nhiên khi các kết quả điều tra cho thấy rõ tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân trong nước và các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu trong các ngành công nghiệp như: dệt may, da giày, xây dựng và giao thông". Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng ILSSA cho biết, để đối phó với khủng hoảng, các doanh nghiệp đã sử dụng hàng loạt chiến lược như luân phiên lao động, giảm số giờ làm việc và các ca kíp, tăng thời gian nghỉ phép. Những chiến lược này giúp một số doanh nghiệp giữ được lực lượng lao động. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp lại dựa vào các giải pháp không thỏa đáng như: để công nhân thiếu việc làm, không trả lương hoặc chỉ trả 70% cho thời gian nghỉ phép; buộc lao động nghỉ dài hạn không lương; chỉ trả lương một phần nhằm tạo sức ép để lao động tự rời bỏ doanh nghiệp…

Để đối phó với tình trạng lao động mất việc hàng loạt, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải cắt giảm lao động cũng như hỗ trợ thất nghiệp cho lao động mất việc. Tuy nhiên, điều kiện để doanh nghiệp được nhận hỗ trợ quá khắt khe và không hợp lý. Đơn cử như, chỉ những doanh nghiệp có trên 30% lao động mất việc, không kể lao động thời vụ có hợp đồng lao động dưới 3 tháng, hoặc trên 100 công nhân mất việc mới được hưởng hỗ trợ.

Thế nhưng, 97% doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô chưa đến 300 lao động, trong đó 87% doanh nghiệp có quy mô dưới 50 lao động. Do vậy, rất ít doanh nghiệp và người lao động được hưởng lợi từ các chính sách này. Hầu hết những lao động mất việc là lao động không có kỹ năng, có hợp đồng dưới 3 tháng. Họ không tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội nên không được nhận hỗ trợ. Một số khác đủ điều kiện nhưng khi mất việc cũng không được lĩnh trợ cấp vì trước đó chủ doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội cho họ. 

Cần nâng cao chất  lượng lao động, tiền lương

Ông Đàm Hữu Đắc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 của Chính phủ đã xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế là khoảng 7-8%/năm và năng suất lao động năm 2015 đạt 1,5 lần so với 2010. Để hướng tới mục tiêu này, Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc cho rằng, Chính phủ phải có những biện pháp hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề và đào tạo nghiệp vụ kỹ thuật cho nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo kỹ thuật ngày càng tăng về số lượng không phải là thách thức duy nhất đối với hệ thống giáo dục, dạy nghề của Việt Nam. Việt Nam phải tăng cường hạ tầng cơ sở và mạng lưới hệ thống dạy nghề, cải thiện khả năng tiếp cận, nhất là cho phụ nữ, thanh niên nông thôn. “Quan trọng hơn là phải cải cách mạnh mẽ hệ thống đào tạo nghề hướng tới thị trường và nâng cao chất lượng đào tạo, bám sát nhu cầu” - ông Đắc khẳng định.

Còn theo nhận định của bà Lan Hương, thời kỳ qua, Việt Nam đã dựa vào giá nhân công rẻ để phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng nhiều lao động và hướng tới xuất khẩu như dệt may, da giày… Đây sẽ không còn là một lợi thế so sánh trong những năm tới khi Việt Nam chuyển dịch lên cao hơn trong chuỗi giá trị của các mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu, với công nghệ kỹ thuật cao và thâm dụng vốn.

Xu hướng sử dụng lao động rẻ đã làm giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này sẽ ngày càng gặp khó khăn trong xuất khẩu và hấp dẫn thị trường quốc tế khi xu hướng sản xuất ngày càng sử dụng công nghệ tiến tiến và lao động có tay nghề cao. Để tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm; tăng năng suất lao động thông qua việc tiếp thu các phương pháp quản lý tiên tiến, cũng như nâng cao trình độ lao động.

Theo Huệ Chi (ANTĐ) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm