Lao động giúp việc nhà: Quản lý hay không?

Lao động giúp việc nhà: Quản lý hay không? ảnh 1
Hầu hết các ý kiến đưa ra đều cho rằng có chuyện thuê mướn, nghĩa là đã phát sinh quan hệ lao động và như vậy cần phải có một nghị định – để vừa quản lý hoạt động thuê mướn lại vừa bảo vệ người lao động. Bà Nguyễn Thị Bích Thuý, giám đốc trung tâm Nghiên cứu lao động nữ và giới thuộc viện Khoa học lao động và xã hội, cho biết có rất nhiều vấn đề lao động giúp việc gia đình đang phải đối mặt hiện nay. Đó là tình trạng không ký kết hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không được quy định cụ thể công việc, bị phân biệt đối xử, ngược đãi, thậm chí bị lạm dụng… Nhu cầu ngày càng caoNguyễn Thị Ngân, 17 tuổi, quê tại tỉnh Vĩnh Phúc quyết định tới Hà Nội để tìm việc thông qua một trung tâm giới thiệu lao động giúp việc gia đình. Sau hai ngày, Ngân được bà Công Thị Hậu tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm thuê. Nhưng làm được một tuần thì Ngân bị đuổi việc với chút tiền công ít ỏi vì vụng nấu nướng, không biết chăm em và giặt quần áo không sạch. Trung tâm giới thiệu bị chủ nhà chê trách nên không giới thiệu Ngân cho chủ khác. Hai tuần sau Ngân phải về quê vì hết tiền. Ví dụ này được bà Nguyễn Thị Bích Thuý đưa ra để khẳng định về thực trạng thiếu hành lang pháp lý nên việc thuê mướn lao động giúp việc gia đình không theo quy chuẩn nào. Mặc dù chưa thống kê được số lượng cụ thể nhưng trong nghiên cứu về thực trạng lao động giúp việc gia đình, bà Thuý cho rằng nhu cầu về lao động này ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tới khi hệ thống dịch vụ xã hội phát triển. “Hiện tại, rất nhiều nhà trẻ không nhận trông trẻ em dưới 18 tháng tuổi, bởi vậy nhiều gia đình buộc phải có người giúp việc”, bà Thuý nói. Bên cạnh đó, nhu cầu tìm việc làm của phụ nữ nông thôn hiện nay rất lớn, nhiều vùng nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, phụ nữ trên 30 tuổi hầu như khó có thể vào các nhà máy. Cần có nghị định?Hầu hết các ý kiến đều cho rằng có chuyện thuê mướn chủ thợ, nghĩa là đã phát sinh quan hệ lao động và như vậy cần phải có một nghị định – để vừa quản lý hoạt động thuê mướn vừa bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, với kinh nghiệm quản lý gần 232.000 lao động ra nước ngoài làm nghề giúp việc gia đình kể từ năm 2000 tới nay, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, các nước và vùng lãnh thổ có tiếp nhận lao động giúp việc nhà từ Việt Nam không có quy định riêng cho loại hình lao động này. “Đây là công việc tương đối đặc thù, những lao động nữ phải đối mặt với thời gian làm việc dài, tính chất công việc phức tạp, một số trường hợp bị bóc lột và lạm dụng nhưng không nước nào có những quy định riêng về loại công việc đặc thù này”, ông Quỳnh nói. Hiện tại, có quá nhiều vấn đề đặt ra nếu ban hành một nghị định riêng để quản lý loại hình công việc đặc thù này. Nguyên tắc cơ bản là bộ luật Lao động đã quy định những tiêu chuẩn tối thiểu về tiền lương, điều kiện lao động… dựa trên đó hai bên quan hệ chủ – thợ thương lượng với nhau. Có ý kiến cho rằng nếu có riêng một nghị định để quản lý loại hình giúp việc nhà thì cũng còn rất nhiều nghề khác thậm chí còn có nhu cầu bức thiết hơn được quản lý và bảo vệ, vậy có nghị định riêng để quản lý các nghề đó hay không?
Theo Tây Giang ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm