Lắm người bằng thật nhưng học dỏm!

Tâm lý sính bằng cấp thể hiện căn bệnh chuộng hình thức, hư học hơn là thực học; học dỏm - bằng thật hơn là học thật, năng lực thật. Không dám quả quyết 100% nhưng tôi đoan chắc đang có rất nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thuộc nhiều ngành khác nhau được dạy, học theo kiểu đối phó. Người dạy vì thiếu kinh nghiệm và thực tế đã bê nguyên giáo trình lạc hậu ra đọc ra rả, bất kể ai đó tiếp thu thế nào. Người học vì nhiều lý do khác nhau đã gắng gượng đến lớp cho đủ sĩ số, cố nuốt cho trôi những bài học chỉ đơn thuần là lý thuyết suông, không giúp ích nhiều cho công việc. Có hài lòng hay không thì cả hai bên đều cố làm cho xong phận sự của mình. Nhất là đối với người học, không ai dám làm khác hơn vì có thể tự đánh mất cơ hội có thêm chứng chỉ, văn bằng để được này được nọ. Có những cái được có thể thấy trước mắt nhưng cũng có những cái được hơi mông lung theo kiểu nên thủ sẵn cho đủ tiêu chuẩn để khi có dịp sẽ được ưu tiên ngó mắt đến.

Lắm người bằng thật nhưng học dỏm! ảnh 1

Các học sinh xuất sắc trong kỳ thi đại học năm 2009 được tuyên dương tại Trường Lê Hồng Phong, quận 5, TP.HCM. Ảnh: HTD

Không thể phát triển nền hành chính, kinh tế quốc gia bằng tri thức dỏm, bằng cấp dỏm. Càng không thể yên tâm cho tương lai đất nước khi đi đâu cũng toàn thấy những người được gọi là trí thức, sếp to thật là to nhưng có bằng dỏm hoặc bằng thật mà học dỏm. Muốn khắc phục việc này, mọi người chúng ta nên quyết liệt nói “không” với thói háo danh ảo, thói coi trọng hình thức hơn giá trị thực. Chỉ có học thật, học sống chết thì mới mong sớm cải thiện bộ mặt của nước nhà.

nguyenhanhtt@...

 Chính do áp lực bằng cấp của xã hội mà nhiều người dù không đủ năng lực đã tìm mọi cách lấy cho bằng được mác tiến sĩ. Từ nhu cầu này, nhiều trường đại học đã tự tổ chức hoặc liên kết với trường nước ngoài sản xuất ra dạng tiến sĩ giấy mà báo chí từng phản ánh.

Rồi cũng do áp lực bằng cấp mà nhiều trường đại học đã tranh thủ liên kết với địa phương đào tạo sau đại học ngay tại tỉnh với muôn vàn bất cập. Đơn cử là đào tạo cán bộ y tế chuyên khoa 1 tại tỉnh mà nhiều bác sĩ tâm huyết với nghề vô cùng ngao ngán. Để có tấm bằng chuyên khoa sau đại học của Trường ĐH Y dược TP.HCM thì người học phải bỏ công sức cả năm ôn thi đầu vào chưa chắc gì đậu. Nhưng nếu được học khóa liên kết ở tỉnh do trường khác (quy mô nhỏ hơn Trường ĐH Y dược TP.HCM) đào tạo thì cỡ nào cũng đậu và cỡ nào cũng có bằng bác sĩ chuyên khoa để được bổ nhiệm. Thật nghịch lý vô cùng!

ĐỨC MINH (thungamt@...)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm