Ký kết hợp đồng lao động phải theo mẫu quy định

Nhiều bạn đọc đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp đã gửi đến báo Pháp Luật TP.HCM nhiều thắc mắc liên quan đến việc ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ). Chúng tôi đã mời bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động Tiền lương Tiền công, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM (LĐ-TB&XH), giải đáp.

Lương thử việc bằng 70% mức lương cấp bậc

. Người lao động (NLĐ) thử việc bao lâu mới được ký hợp đồng chính thức? Trường hợp một số doanh nghiệp (DN) cố tình dùng biện pháp kéo dài thời gian thử việc của NLĐ thì NLĐ phải làm sao?

+ Theo Điều 32 Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung thì người sử dụng lao động và NLĐ thỏa thuận về việc làm thử, thời gian thử việc, quyền và nghĩa vụ của hai bên. Tiền lương của NLĐ trong khi thử việc ít nhất phải bằng 70% mức lương cấp bậc của công việc đó. Thời gian thử việc không được quá 60 ngày đối với lao động chuyên môn kỹ thuật cao và không được quá 30 ngày đối với lao động khác.

Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận làm thử mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu đã thỏa thuận. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải nhận NLĐ vào làm chính thức theo thỏa thuận. Do vậy, nếu kéo dài thời gian thử việc quá thời hạn nêu trên thì người sử dụng lao động đã làm trái luật.

Ký kết hợp đồng lao động phải theo mẫu quy định ảnh 1

Thời gian thử việc của NLĐ từ 30 đến 60 ngày. (Ảnh chụp tại một công ty dệt) Ảnh: THÁI HIẾU

Trong trường hợp vi phạm về thời gian thử việc, áp dụng quá thời gian thử việc đối với NLĐ, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 8 Nghị định 47 ngày 6-5-2010 của Chính phủ. Nếu vi phạm với nhiều NLĐ thì mức phạt tiền sẽ tăng lên tương ứng theo quy định.

. Sau khi ký HĐLĐ thì NLĐ có được giữ HĐLĐ không?

+ Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung thì HĐLĐ được ký kết bằng văn bản phải được làm thành hai bản, mỗi bên giữ một bản. HĐLĐ phải theo mẫu quy định của Bộ LĐ-TB&XH ban hành.

Trường hợp một bên ký HĐLĐ là người nước ngoài thì nội dung hợp đồng phải bằng tiếng Việt. Sau phần tiếng Việt có thể thêm phần tiếng nước ngoài do hai bên thỏa thuận. Nội dung bằng tiếng Việt có giá trị pháp lý. Bản HĐLĐ có thể viết bằng bút mực các màu (trừ màu đỏ) hoặc đánh máy.

HĐLĐ phải có những nội dung chủ yếu sau đây: công việc phải làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, địa điểm làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội đối với NLĐ. Như vậy, khi hai bên thỏa thuận để giao kết HĐLĐ thì một trong những nội dung chủ yếu là tiền lương phải trả cho NLĐ, hình thức trả lương và việc nâng bậc lương…

. Đối với những DN nhỏ không đủ điều kiện tham gia bảo hiểm thất nghiệp (dưới 10 lao động) thì NLĐ có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi nghỉ việc không? Riêng trợ cấp thôi việc thì DN hay bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết?

+ Khi thôi việc, NLĐ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc sẽ được người sử dụng lao động trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung (tức không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp). Cụ thể, người sử dụng lao động sẽ trợ cấp thôi việc cho toàn bộ thời gian NLĐ làm việc cho người sử dụng lao động mà không có tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp tổng thời gian làm việc tại DN tính trợ cấp thôi việc có tháng lẻ thì được làm tròn như sau: Từ đủ một tháng đến dưới sáu tháng làm tròn thành 1/2 năm; từ đủ sáu tháng đến dưới 12 tháng làm tròn thành một năm.

Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương, tiền công theo HĐLĐ, được tính bình quân của sáu tháng liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ.

Được làm phụ lục HĐLĐ

. Sau khi ký HĐLĐ, nếu có sự thay đổi về lương, thưởng... thì hai bên phải làm phụ lục hợp đồng hay phải ký HĐLĐ mới? Các trường hợp cụ thể nào không được làm phụ lục hợp đồng?

+ Theo Điều 33 Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung thì trong quá trình thực hiện HĐLĐ, nếu bên nào có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất ba ngày. Việc thay đổi nội dung HĐLĐ có thể được tiến hành bằng cách sửa đổi, bổ sung HĐLĐ đã giao kết hoặc giao kết HĐLĐ mới.

Theo điểm 3 mục II Thông tư 21 ngày 22-9-2003 của Bộ LĐ-TB&XH (hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 44 ngày 9-5-2003 của Chính phủ về HĐLĐ), thủ tục thay đổi nội dung HĐLĐ được tiến hành như sau: Bên đề xuất yêu cầu nêu nội dung cần thay đổi và thông báo cho bên kia biết bằng văn bản; bên nhận văn bản yêu cầu phải chủ động gặp bên đề xuất để thỏa thuận về nội dung cần thay đổi, chậm nhất trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu; trường hợp hai bên thỏa thuận được việc thay đổi nội dung HĐLĐ thì tiến hành ký kết phụ lục HĐLĐ theo mẫu.

. Có trường hợp DN ký HĐLĐ thời hạn một năm. Khi gần hết năm thì DN bắt NLĐ làm đơn xin nghỉ việc rồi sau đó ký lại HĐLĐ mới. Như vậy có bị coi là vi phạm không? NLĐ cần làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình trong trường hợp này?

+ Điều 27 Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung quy định: HĐLĐ phải được giao kết theo một trong các loại sau đây: HĐLĐ không xác định thời hạn; HĐLĐ xác định thời hạn trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Như vậy, DN không được giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên (ngoại trừ những trường hợp phải tạm thời thay thế NLĐ đi nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác). Nếu vi phạm việc này thì DN có thể bị phạt tiền.

Để quyền lợi chính đáng của mình được đảm bảo, NLĐ phải quan tâm tìm hiểu những quy định của pháp luật về quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ và người sử dụng lao động để từ đó có khả năng thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động trong quá trình thỏa thuận giao kết HĐLĐ.

. Xin cảm ơn bà.

THÁI HIẾU - MINH HIẾU thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm