Kiểu “Việt hóa” chóng mặt!

Trong sách Lịch sử lớp 11 do Nhà xuất bản Giáo dục in và nộp lưu chiểu tháng 6-2009, tên của hầu hết nhân vật được phiên dịch theo cách đọc tiếng Việt. Đại thi hào, nhà văn, nhà viết kịch người Nga Aleksandr Sergeyevich Pushkin được viết thành Pu-skin. Nhà văn hiện thực Pháp nửa đầu thế kỷ thứ 19 Honoré de Balzac được viết là Ban-dắc. Nhà văn người Mỹ Jack London, cha đẻ của tác phẩm nổi tiếng Tiếng gọi nơi hoang dã được viết thành Giắc Lơn-đơn. Nhà văn hóa lớn Ấn Độ Rabindranath Tagore được viết thành Ra-bin-đra-nat Ta-go. Tác phẩm độc đáo Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer của nhà văn Mark Twain được người soạn sách viết thành Những cuộc phiêu lưu của Tôm Xoay-ơ. Thậm chí ngay cả tên gọi của giải Nobel nổi tiếng thế giới cũng bị viết thành giải “Noben”.

Kiểu “Việt hóa” chóng mặt! ảnh 1

Cần chuẩn hóa việc phiên dịch tiếng nước ngoài trong sách giáo khoa để học sinh dễ nhớ và tiếp cận ngôn ngữ nước ngoài. Ảnh: HTD

Sách sử đã vậy, tên địa danh, tên nước trong sách Địa lý lớp 11 (do Nhà xuất bản Giáo dục in xong và nộp lưu chiểu tháng 3-2009) cũng được viết theo kiểu đọc tiếng Việt kèm theo các dấu gạch nối nhìn chóng cả mặt. Tại trang 11, hàng loạt tên nước được gạch nối búa xua. Nào là Ét-xtô-ni-a (tức Estonia), Xlô-vê-ni-a (Slovenia), Xin-ga-po (Singapore), Bru-nây (Brunei), Ô-xtrây-li-a (Australia), Niu Di-lân (New Zealand), Ma-lai-xi-a (Malaysia), In-đô-nê-xi-a (Indonesia), Phi-líp-pin (Philippines), Ác-hen-ti-na (Argentina)…

Với những nước không sử dụng tiếng Anh, tên các nhân vật hoặc tên nước thường được phiên âm theo tiếng Anh. Nhiều người cho rằng ta nên phiên các tên gọi đó sang kiểu tiếng Việt, vừa dễ đọc lại vừa không bị lệ thuộc vào ngôn ngữ của người khác. Lý lẽ này không thuyết phục, bởi  các phiên âm sang tiếng Việt của ta không xuất phát từ ngôn ngữ gốc. Chẳng hạn, tên gốc của nhà văn Nga Pushkin là Алекса́ндр Серге́евич Пу́шкин, được phiên thành Aleksandr Sergeyevich Pushkin. Từ Pu-skin được in trong sách giáo khoa lớp 11 nói trên là phiên từ chữ Pushkin chứ không phải từ tên gốc của nhà văn này.

Ngoại ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ nên cách đọc của mỗi người khác nhau. Như từ Pushkin trên, người soạn sách đọc là Pu-skin nhưng người khác lại đọc là Pút-skin. Người soạn sách đọc là Tôm Xoay-ơ nhưng người khác đọc là Tom-soi-yơ… Khi phiên âm theo tiếng Việt, người soạn sách đã vô tình áp đặt cách đọc (có thể chưa đúng) của mình vào học sinh. Hơn nữa, từ “Việt hóa” sẽ gây khó khăn cho học sinh trong việc truy cập Internet để tra cứu thông tin về đất nước, con người mà các em đang học. Theo tôi, nếu có thể dịch hẳn sang tiếng Việt (như Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc…) thì ta nên dùng. Còn với những từ nếu phiên sang tiếng Việt mà xảy ra tình trạng nửa nạc nửa mỡ như thế này, ta vẫn nên sử dụng theo cách gọi phổ biến của các nước.

Học sinh đủ thông minh để nhớ và tiếp cận ngôn ngữ nước ngoài nên người soạn sách không cần phải băm nát các từ ra như thế.

GIA NGHI (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm