Kiểm điểm “quái xế”: Coi chừng phản tác dụng!

Giáo dục thông qua xã hội là một biện pháp hiệu quả thường được sử dụng bên ngoài nhà trường và gia đình. Tối 4-11, tại các phường 11, 15, 19 (quận Bình Thạnh, TP.HCM), công an quận đã tổ chức kiểm điểm 45 “quái xế” tham gia các cuộc “đi bão” đêm 23 và 24-10 vừa qua. Đây là việc làm được dư luận đồng tình. Điều cần bàn là việc tổ chức kiểm điểm tập thể trên liệu có đạt hiệu quả để qua đó giúp các “quái xế” nhận ra sai lầm mà sửa chữa hay chỉ làm qua loa, đại khái, cho xong chuyện.

Theo bài báo đã đăng, phường 11 là địa phương có nhiều người vi phạm bị kiểm điểm với 22 trường hợp. Sau buổi kiểm điểm, bà Phạm Thị Cầm, tổ trưởng tổ 29 của phường, nhận xét: “Các bản kiểm điểm đều có nội dung giống nhau với điệp khúc mới vi phạm lần đầu, xin được chiếu cố cho lấy lại xe”. Phường 19 có 14 thanh thiếu niên làm kiểm điểm. Hầu hết các bản kiểm điểm đều ghi: “Biết hành vi của mình là sai, xin mọi người bỏ qua và xin được đóng phạt để lấy lại xe”. Bà Nguyễn Hữu Phương, chuyên viên tư vấn Trường THCS Phú Mỹ (quận Bình Thạnh), nhận xét về các bản kiểm điểm: “Các em chưa thực sự nhận ra lỗi của mình mà chỉ qua đó để xin bỏ qua tội và xin lại xe”.

Kiểm điểm “quái xế”: Coi chừng phản tác dụng! ảnh 1

Trong khi một thanh niên đang đọc bản kiểm điểm thì các đối tượng còn lại tranh thủ nhẩm lại bản kiểm điểm của mình. (Ảnh chụp tối 4-11 tại Nhà văn hóa phường 19, quận Bình Thạnh) Ảnh: N.NAM

Đọc bài báo, tôi cảm thấy các buổi kiểm điểm chưa đạt yêu cầu. Người vi phạm giao thông chưa thấy được sai phạm của mình.

Thông thường, quy trình một buổi kiểm điểm phải qua bốn bước: Người vi phạm đọc kiểm điểm, nhận ra cái sai của mình, tự đề ra biện pháp khắc phục; tập thể góp ý giúp người bị kiểm điểm nhận rõ hơn các sai sót; người chủ trì tóm tắt và nhấn mạnh các sai sót, biện pháp cần khắc phục; người kiểm điểm tiếp thu góp ý... Nhiều khả năng phía chính quyền chưa có sự chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cho các bước này. Các buổi kiểm điểm diễn ra đơn điệu, thiếu vai trò người tổ chức trong việc phân tích chỉ ra những tác hại của việc tụ tập đua xe đối với xã hội.

Về phía người làm kiểm điểm chưa có sự thành khẩn, hợp tác. Do các “quái xế” đều dưới 18 tuổi nên rất cần vai trò của người thân trong gia đình. Nhưng thay vì giúp con em thấy ra lỗi lầm để khắc phục, đã có vài phụ huynh có thái độ bao che khiến con em càng coi thường các biện pháp giáo dục của chính quyền địa phương.

Mặt khác, kiểm điểm tại tổ dân phố là cách làm còn ít phổ biến nên sẽ có nhiều người, trong đó có không ít “quái xế” theo dõi để xem “họ làm gì mình!”. Bởi vậy, buổi kiểm điểm mà làm qua loa sẽ không răn đe được người phạm pháp, thậm chí họ còn coi thường, cười khẩy. Lo ngại này không phải không có cơ sở. Trong 14 thanh thiếu niên phải kiểm điểm ở phường 15 có hai đối tượng đã vi phạm hai lần về cùng một hành vi trên.

Tóm lại, giáo dục thông qua xã hội nếu làm không tốt có thể gây phản tác dụng, người vi phạm “lờn thuốc” và lúc này việc giáo dục càng khó khăn hơn gấp bội phần.

LÊ ĐÔNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm