Không thể vì thủy điện mà phá vườn quốc gia

Trước khi đề cập đến thực trạng các dự án thủy điện ăn mòn rừng lõi Vườn quốc gia Nam cát Tiên, nhất là các dự án đang trong quá trình xem xét như Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A, tôi xin nêu vài nét về vườn quốc gia này.

Năm 2003, Chính phủ đã quyết định thành lập Vườn quốc gia Nam Cát Tiên với tổng diện tích trên 70.000 ha nằm trên ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Tổng diện tích được phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 55.000 ha, khu phục hồi sinh thái 16.000 ha, khu dịch vụ hành chính 761 ha.

Cẩn trọng khi đụng đến rừng

Vườn này đã được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới với các chức năng và nhiệm vụ,

- Bảo tồn các hệ sinh thái rừng, các vùng đất ngập nước quan trọng trong vườn.

- Bảo tồn nguồn gien động thực vật rừng quý hiếm, bảo tồn quần thể tê giác một sừng, quần thể voi và các loài động thực vật quý hiếm khác.

- Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, thực hiện nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục phục vụ công tác bảo tồn.

Không thể vì thủy điện mà phá vườn quốc gia ảnh 1

Không chỉ có nạn phá rừng, săn bắn thú, nhiều dự án thủy điện đang lăm le tấn công vườn quốc gia. Ảnh: Một kiểm lâm đang phá bỏ một bẫy thú tại Vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Ảnh: MINH PHONG

Từ đó, bên cạnh Chính phủ Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới đã quan tâm, đổ nhiều công sức vào việc bảo tồn vườn. Mặc dù vậy, nhiều nguy cơ đang chập chờn do nạn phá rừng, săn bắn thú, mà sự kiện đặc biệt nghiêm trọng gần đây là việc một con tê giác được phát hiện chết ở vườn…

Đã thế, còn có nhiều dự án với ý định phá vùng lõi vườn để làm thủy điện. Việc “ăn” vào vùng lõi vườn quốc gia để sản xuất điện là điều có nên làm hay không? Câu hỏi này buộc những người đang nắm quyền quản lý tài nguyên quốc gia phải nghiêm túc, cẩn trọng trong các quyết định liên quan.

Đúng là sông Đồng Nai có tiềm năng thủy điện lớn thứ hai của cả nước. Nhưng việc ồ ạt xây dựng thủy điện bậc thang, phải chặn sông Đồng Nai làm nhiều khúc với mực nước dâng của bậc dưới “chạm đít” mực nước hạ lưu bậc trên dễ gây ra nhiều hậu quả. Không những dòng chảy tự nhiên của sông bị thay đổi mà cao trình mực nước dâng bình thường của mỗi hồ thủy điện cao xấp xỉ 200 m sẽ vùi sâu hàng ngàn hecta rừng phòng hộ lẫn rừng của vườn, làm thay đổi cả vùng đầm lầy nổi tiếng của vườn quốc gia đang cần bảo tồn.

Để không bị nhiều thiệt hại

Theo những người vẽ ra sơ đồ bậc thang và chủ đầu tư của các dự án thủy điện Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A, việc xây thủy điện không làm ảnh hưởng lớn đến môi trường, vì diện tích rừng bị ngập trong lòng hồ đang ở hệ sinh thái đất rừng sẽ được chuyển sang hệ sinh thái rừng thủy sinh. Xem như vẫn giữ nguyên được rừng (!). Lại nữa, hồ thủy điện sẽ góp phần tăng dòng chảy về hạ du vào mùa kiệt nhờ chế độ điều tiết; tạo thành hàng rào để ngăn nạn vượt sông hủy hoại tài nguyên rừng; tạo ra nguồn nước mặt cho thú rừng uống; đường vận hành sẽ là đường kết hợp tuần tra bảo vệ rừng (!).

E rằng những lý lẽ này không thuyết phục được số đông. Bởi lẽ gần đây tỉnh Bình Phước đã mất nhiều công sức, tiền của và thời gian để di dời 78 hộ dân với khoảng 345 người ra khỏi vùng lõi vườn quốc gia chỉ để trả lại 217 ha cho vườn quốc gia do các hộ này đã lấn chiếm đất vườn để canh tác. Làm sao có thể nói rằng việc nhấn chìm vĩnh viễn cả 500 ha rừng của các công trình này dưới lòng hồ lại được gọi là “chuyển hệ” vẫn giữ nguyên đất rừng? Đó là chưa tính đến diện tích chiếm đất của các công trình này khi làm đường, hành lang đường dây đấu nối, các công trình đồng bộ, các bãi thải vật liệu… có thể là hàng trăm hecta.

Vấn đề đặt ra là tại sao trước đây Chính phủ không đồng ý đưa thủy điện Đồng Nai 6 vào tổng sơ đồ V và cả tổng sơ đồ VI quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến giai đoạn 2015 có xét đến năm 2025 mà bây giờ lại cho nghiên cứu để bổ sung? Tại sao việc hiệu chỉnh quy hoạch và thẩm định báo cáo đầu tư thủy điện Đồng Nai 6 mà bộ tham mưu cho Chính phủ chỉ lấy ý kiến góp ý của các bộ và UBND các tỉnh liên quan trong vòng 15 ngày, đặc biệt lại vào mùa khô, lúc cả nước đang “khát” điện? Trong khi đây là vấn đề quan trọng tầm cỡ quốc gia do liên quan đến diện tích rừng phòng hộ và rừng quốc gia, đặc biệt là vùng lõi Vườn quốc gia Nam Cát Tiên.

Có thể nhiều người chưa biết thuyết deep ecology (tư tưởng Môi trường sâu) nhưng chắc chắn số đông luôn có nhận thức tốt về môi trường, cách ứng xử, giữ gìn môi trường sống của động thực vật quanh ta và quan trọng nhất là không được ngắt một hoa, bẻ một cành của vườn chứ đừng nói là hủy cả hàng trăm hecta vùng lõi của vườn.

NGUYỄN MINH (Đồng Nai)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm