Không thể lấy độc trị độc

Phải thấy rằng trước tội ác man rợ của vợ chồng bị can Giang-Thơm, không ai không bức xúc, căm phẫn. Việc mọi người lên án, bày tỏ thái độ không đồng tình trong những trường hợp tương tự như thế này là đúng, là cần thiết. Thế nhưng mọi phản ứng, hành động đều phải nằm trong khuôn khổ của luật pháp. Nếu tiếp tục đi quá đà, không dừng lại kịp thời, có thể các cá nhân liên quan sẽ bị pháp luật xử lý.

Trên một số báo mạng, tôi đọc được nhiều comment đại loại “mạng đền mạng” (nếu ai đó giết chết người khác thì giờ nhà nước cứ “trảm” người đó là xong chuyện); “hãy tra tấn kẻ gian ác bằng những cách mà họ đã tra tấn nạn nhân để chúng tởn tới già và sẽ không bao giờ dám tái phạm”… Hoặc “phải hành động thì mới có kết quả”, “nếu chính quyền chậm xử lý thì để dân xử lý” (xảy ra trong những vụ dân bao vây nhà máy gây ô nhiễm; công nhân bao vây nhà máy để đòi quyền lợi của người lao động; dân vây, đập và đốt xe của công an v.v…).

Không thể lấy độc trị độc ảnh 1

Do đã gây thương tích nặng cho Hào Anh nên các bị can sẽ phải chịu tội. Nhưng việc xử lý họ phải do người có thẩm quyền tiến hành. Trong ảnh: Hào Anh với nhiều thương tích trên mặt. Ảnh: TRẦN VŨ

Trong pháp luật hình sự, nguyên tắc chung là các cơ quan thẩm quyền phải nhanh chóng xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm. Tuy nhiên, Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự có lưu ý: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Đối với các vi phạm hành chính, nguyên tắc chung cũng là “việc xử lý vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”. Song Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính cũng lưu ý: “Việc xử lý vi phạm hành chính phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định của pháp luật”.

Như vậy, với Thơm hay với bất kỳ người phạm lỗi hình sự (hành chính) nào, việc xem xét để xử lý họ thuộc quyền hạn của cơ quan công an, VKS, tòa án và các cơ quan hữu quan khác. Dù phẫn nộ đến cỡ nào thì cũng không ai có quyền “xử phạt” họ và tất nhiên không được quyền xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của họ. Riêng đối với mẹ của Hào Anh, có thể chị có thiếu sót trong việc nuôi dạy con nhưng đến giờ chị đang được xác định là mẹ của người bị hại. Mọi người phải có nhiệm vụ tôn trọng, bảo vệ chị để chị có thể làm việc tốt với các cơ quan tố tụng, góp phần làm cho vụ án sớm kết thúc. Trong thời gian này hay tới đây, việc xác định mức độ lỗi của chị trong vụ việc, đưa ra hình thức chế tài (nếu có) là trách nhiệm của những người có thẩm quyền. Những người ngoài cuộc chỉ có quyền nêu đề nghị chứ không được quyền làm gì khác.

Mong rằng sẽ không có ai đó phải bị pháp luật xử lý vì có những hành động phản ứng nông nổi theo kiểu giận quá mất khôn.

THANH VÂN (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm