Không hạn chế số người phụ thuộc

1. Tôi có một vợ và ba con nhỏ đều dưới 18 tuổi. Tôi là lao động chính trong gia đình, còn vợ tôi thì làm nội trợ. Trường hợp của tôi có được xem là có bốn người phụ thuộc? Có ràng buộc nào về số lượng người phụ thuộc hay không?

Nguyễn Gia Phúc (quận 10, TP.HCM)

Không hạn chế số người phụ thuộc ảnh 1Trả lời: Luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn thi hành không hạn chế số lượng người phụ thuộc để được giảm trừ gia cảnh. Theo đó, các con dưới 18 tuổi đều được xem là người phụ thuộc của ông. Đối với vợ ông, theo điểm d khoản 3 Điều 12 Nghị định 100 ngày 8-9-2008 của Chính phủ, nếu bà ấy còn trong độ tuổi lao động và có khả năng lao động thì không được xem là người phụ thuộc.

2. Ba mẹ tôi đều đã qua đời. Tôi là anh lớn trong gia đình có năm anh em. Chúng tôi làm việc tại TP.HCM, riêng đứa em út (17 tuổi) đang học lớp 11 và đang ở nhờ nhà người bà con tại An Giang. Thu nhập hàng tháng của tôi hơn năm triệu đồng nhưng tôi phải trích một khoản tiền để gửi về quê phụ nuôi em ăn học. Vậy em trai tôi có được coi là người phụ thuộc của tôi hay không và tôi phải làm thủ tục kê khai giảm trừ gia cảnh ra sao?

Minh Hà (Quận 3)

Trả lời: Theo Điều 6 Bộ luật Lao động, người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi. Như vậy, người em út của bạn là người trong độ tuổi lao động. Chỉ khi nào không nơi nương tựa, bị tàn tật, không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc thu nhập không vượt quá mức 500.000 đồng/tháng thì em ấy mới được tính là người phụ thuộc của bạn.

Nếu em bạn thuộc trường hợp nêu trên thì bạn cần đăng ký giảm trừ gia cảnh với tổ chức, cá nhân nơi bạn làm việc theo mẫu chậm nhất là ngày 30-1 hàng năm. Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc nộp cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý đơn vị trả tiền lương cho bạn gồm: sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ liên quan khác để xác định mối quan hệ giữa người em trai với bạn; bản sao có xác nhận của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên hoặc bản khai có xác nhận của UBND cấp xã về mức độ tàn tật, không có khả năng lao động.

Bạn đọc có thắc mắc về thuế thu nhập cá nhân có thể gửi thư về 470 Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP.HCM; fax: 08.38345102; e-mail: bandoc@phapluattp.vn.

ÁI PHƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm