Không có đưa hối lộ, sao có nhận hối lộ?

Ông Tuyên phát biểu rằng: “Chúng tôi có khá nhiều giải pháp chống tiêu cực nhưng điều quan trọng trước hết là người tham gia giao thông phải nghiêm chỉnh. Không có đưa hối lộ, sao có nhận hối lộ?”.

Khái niệm “nhận hối lộ” được pháp luật hình sự định nghĩa là hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào (…) để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”. Xét về chủ quan, nhận hối lộ là hành vi có lỗi cố ý trực tiếp, được hiểu là người nhận hối lộ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Điều đó có nghĩa rằng nhận hối lộ là hành vi hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của CSGT. Hiểu đơn giản, chỉ cần họ kiên quyết không nhận thì không ai có thể ép họ nhận. Nếu như chỉ cần có việc “đưa hối lộ” thì tất yếu dẫn đến việc “nhận hối lộ”, hóa ra CSGT là những người yếu đuối và dễ mua chuộc đến thế sao?

Lực lượng CSGT nói riêng và Nhà nước nói chung được sinh ra để quản lý một xã hội tồn tại trong nó những mâu thuẫn và bất ổn. Trong xã hội đó, chín người thì mười ý và cách hành xử của gần 90 triệu người dân là muôn hình vạn trạng. Vậy việc yêu cầu mấy vạn CSGT nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật dễ hơn hay khó hơn yêu cầu gần 90 triệu dân? Và nếu như tất cả những người tham gia giao thông đều nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật thì đâu cần đến lực lượng giữ gìn trật tự giao thông nữa.

Phát biểu như trên không rõ Đại tá Tuyên đang bảo vệ hay chỉ trích các chiến sĩ của mình?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm