Không chấp nhận CSGT “mày tao” với dân

Phải chấn chỉnh ngay cách ăn nói

Tôi hoàn toàn đồng tình với nhiều ý kiến bày tỏ sự bất bình về nạn mãi lộ đăng trên số báo hôm qua. Nhưng bên cạnh đó tôi còn có một bức xúc khác sau khi đọc phần trích cuộc nói chuyện giữa một CSGT ngoài 35 tuổi với một tài xế 50 tuổi: CSGT này đã hai lần gọi người tài xế đáng tuổi anh, chú của mình bằng “mày”.

Chuyện cảnh sát gọi đối tượng bằng mày vốn không lạ. Tôi đã có mấy lần trực tiếp nghe CSGT gọi như thế với những tay choai choai lạng lách ngoài đường. Gần đây nhất, tôi có nghe trên đài VTV một cảnh sát (có thể là cảnh sát hình sự) kêu mày tao với một đối tượng trông rất phách lối đi ô tô xịn mà trên xe có chứa ma túy và một khẩu súng không có giấy tờ… Tôi đồng ý đó là những đối tượng “không ưa nổi” nhưng cách gọi “mày tao” không đúng với quy định ngành. Trẻ con còn không được gọi người lớn như thế, vậy sao CSGT lại cho mình cái quyền gọi các tài xế lớn tuổi hơn bằng mày? Là hai người dân xa lạ với nhau, người ta còn phải “anh, chị” cho lịch sự. Đằng này đang đại diện cho cơ quan công quyền, lẽ nào CSGT còn cư xử tệ hại, mất văn hóa hơn người bình thường?

Mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai đã có văn bản lệnh cho CSGT tiếp xúc với dân không được chửi thề. Theo tôi, công an của tất cả địa phương (trong đó chủ yếu là TP.HCM, Hà Nội, nơi có rất đông dân) phải gấp rút chấn chỉnh ngay cách xưng hô của CSGT với dân theo hướng giữ lịch sự ở mức tối thiểu.

HOÀNG MINH

"Mày, tao" với cả phụ nữ

Có lần khi đang đi đúng làn đường quy định trên đường Nguyễn Văn Linh, tôi bị một CSGT lấy gậy chỉ vô lề. Tôi tấp vô thì anh này lấy gậy đập vào đầu xe hỏi giấy tờ đâu. Tôi đã chuẩn bị sẵn giấy tờ nhưng trước thái độ không đàng hoàng đó, tôi vặn lại: “Sao anh không chào tôi?”. Các bạn có tin nổi không, anh này buông câu: “Mày muốn gì?” trong khi tôi là phụ nữ, tức thuộc đối tượng phải được đối đãi lịch sự hơn cánh mày râu.

Không chấp nhận CSGT “mày tao” với dân ảnh 1

CSGT nên xưng hô lịch sự với dân. Ảnh minh họa: HTD

Ngay sau đó, anh ta giật ngay giấy tờ xe, CMND, giấy phép lái xe, chứng nhận bảo hiểm mà tôi đang cầm lật qua lật lại mấy lần. Rồi anh thử đèn xi nhan, thắng, còi xe… Không nói không rằng, anh cầm số giấy tờ trên đến chỗ chiếc xe mô tô có một CSGT đứng kế bên. Lúc này, hai chiếc xe khác cũng bị “chỉ” tấp vô. Tôi yêu cầu trả lại giấy tờ xe nhưng CSGT trên không trả và cũng không lập được biên bản để có thể phạt được tôi vì tôi không vi phạm luật giao thông. Đôi co một hồi, CSGT còn lại nói: “Trả cho nó đi”. Bấy giờ anh ta mới trả lại giấy tờ cho tôi kèm lời nhắn: “Lần sau liệu hồn”.

Đến giờ, tôi không hiểu tại sao trong ngành công an lại có những CSGT trịch thượng, lỗ mãng với dân để tự đánh mất hình ảnh của chính mình.

thihangiang@gmail.com

Có tiền mới biết lịch sự?

Hiện nay, tình trạng hối lộ cho CSGT để được bỏ qua vi phạm đang diễn ra ở khắp nơi mà có lẽ nhiều người nghe nhắc đến đều cảm thấy nhàm tai. Vượt đèn đỏ, vượt tuyến, chạy quá tốc độ…, khi bị công an thổi thì chỉ cần đưa 100.000 đồng là được đi ngay, không bị lập biên bản hay giam bằng lái gì cả. Đồng ý là có lỗi của phía người vi phạm nhưng nếu CSGT gương mẫu làm đúng pháp luật thì mấy ai dám lót tay.

Tôi xin góp thêm một ý: Cách hành xử của một số CSGT đối với những người vi phạm rất giống “dân chợ đen”, kỳ kèo thêm, bớt như ở chợ. Có một lần tôi và người bạn chạy xe máy từ TP.HCM về Bến Tre đi đám cưới. Đang chạy trên quốc lộ 1A đoạn giao nhau giữa TP.HCM và Long An, do không để ý tốc độ nên chúng tôi bị CSGT thổi vào và chấp nhận chờ mấy anh lập biên bản, đóng phạt. Thế nhưng sự việc diễn ra không như chúng tôi hình dung. Sau khi làm việc xong với những người cùng vi phạm luật giao thông như chúng tôi, một CSGT hỏi tôi với thái độ khó chịu: “Này thằng kia, mày chạy gì như sắp chết vậy? Giờ mày muốn tao phạt sao, giam xe 30 ngày nha?”. Tôi hoảng hốt nói: “Em phạm lỗi nhẹ mà anh, em mới vi phạm lần đầu anh tha cho em đi, nếu giam xe em không đi làm được khổ lắm”. Lập tức, một CSGT xen lời tôi: “Dẹp mày, không xin xỏ gì hết, phạt thì phải chịu”. Trước tình thế này, bạn tôi rút 500.000 đồng bỏ vào túi anh CSGT. Lúc này thái độ của các anh khác hẳn, cả hai tỏ ra rất thân thiện : “Thôi các anh đi đi, lần sau nhớ chạy cẩn thận vào nhé!”.

Chẳng lẽ CSGT chỉ có thể “ngọt ngào” sau khi đã nhận tiền lót tay từ người vi phạm?

PHAN THIÊN HƯNG (Quận 2, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm