Khó nhập hộ khẩu vào nhà ở nhờ

Sau khi có Luật Cư trú thì các địa phương đã không còn đòi hộ khẩu để làm căn cứ giải quyết các thủ tục sát sườn với đời sống người dân như hợp đồng cung ứng điện, nước, học hành... Tuy nhiên, quy định cấp CMND theo hộ khẩu vẫn đang làm khó nhiều người. Bởi lẽ muốn có hộ khẩu thì phải hội đủ nhiều điều kiện mà không phải ai cũng có thể đáp ứng.

Đòi hỏi hợp đồng ở nhờ có công chứng...

Bà Huỳnh Thị Bích Liên cho biết bà đang ở nhờ nhà người quen tại phường 11, quận Gò Vấp (TP.HCM). Chủ nhà đồng ý bảo lãnh cho bà nhập hộ khẩu và bản thân bà cũng đủ điều kiện để được nhập hộ khẩu vào quận. Thế nhưng khi đi làm thủ tục thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bà phải có hợp đồng cho ở nhờ nhà được công chứng. Đáng nói là nhà này chưa có giấy chủ quyền hợp pháp mà chỉ có giấy tay mua bán và thông báo tạm cấp số nhà. Với hai giấy tờ này thì cơ quan công chứng không thể công chứng hợp đồng cho ở nhờ nhà.

Bà Nguyễn Thị Nga (473/48 KP 8, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) có hoàn cảnh rất đáng thương. Cha mất khi bà còn nhỏ, người mẹ lại bị mất trí nhớ cộng thêm gia đình nghèo khó nên bà chỉ biết lo làm ruộng thuê để kiếm miếng ăn tại huyện Nhà Bè. Năm 1982, bà sinh con và chuyển đến quận 6 sinh sống. Tại đây, bà có thêm ba người con nữa. Năm 1995, bà mua nhà ở xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh và được công an địa phương cấp sổ tạm trú. Gia đình bà chưa kịp làm thủ tục nhập hộ khẩu vào địa chỉ này thì chồng bà bị bệnh nên bà phải bán nhà để lo cho chồng. Sau đó, gia đình bà được người láng giềng thương tình cho ở nhờ tại quận Bình Tân.

Khó nhập hộ khẩu vào nhà ở nhờ ảnh 1

Giải quyết hồ sơ nhập hộ khẩu tại Công an quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: KP

Chủ nhà đã làm thủ tục bảo lãnh cho năm mẹ con bà được nhập hộ khẩu vào địa chỉ nhà ông nhưng vì nhà chưa có chủ quyền nên ông cũng không thể đi công chứng hợp đồng cho ở nhờ.

Bà Nga buồn bã: “Do không có hộ khẩu nên cả nhà tôi không ai được cấp CMND. Tôi già rồi nên không có CMND cũng không sao nhưng các con tôi thì bất tiện lắm. Không có miếng giấy lận lưng nên chúng chỉ biết làm thợ hồ, làm công cho người khác, việc mưu sinh rất khó khăn”.

Rồi... giấy bảo lãnh

So với hai trường hợp trên, trường hợp của bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (tổ 5, phường 15, quận Gò Vấp) ngặt nghèo hơn. Dù đã nhiều lần gõ cửa các cơ quan công an tại nơi ở mới và cũ để xin làm giấy CMND cho người con trai đã trưởng thành nhưng bà chỉ nhận được những cái lắc đầu với lý do “không có hộ khẩu thường trú”.

Bà Tuyết cho biết trước năm 1975 bà được mẹ nuôi đăng ký tên trong tờ khai gia đình ở tỉnh Gia Định nay là quận Bình Thạnh, TP.HCM. Sau giải phóng, trong đợt kê khai nhân khẩu đầu tiên thì người mẹ nuôi đã không khai tên bà trong hộ khẩu mới. Tiếp nữa, vì khó khăn nên người mẹ nuôi phải bán nhà rồi đi ở nhờ người bạn trong xóm. Kể từ đó bà ở nhà thuê nơi này vài năm, nơi khác ít năm cho đến nay. Mặc dù nhà có giấy chủ quyền nhưng người chủ cho thuê nhà hiện nay lại không muốn bảo lãnh cho bà nhập hộ khẩu.

“Bản thân tôi muốn đi giúp việc nhà thì cũng phải có CMND người ta mới dám mướn. Con tôi vừa học xong cấp ba muốn đi làm công nhân cũng không được vì không có CMND. Hộ khẩu không có kéo theo CMND cũng không có khiến gia đình tôi không tìm được lối ra” - bà Tuyết đau khổ.

Luật sư NGUYỄN MINH LUẬN (Đoàn Luật sư TP.HCM):

Đẩy nhanh việc cấp mã số công dân

Mặc dù quy định về hộ khẩu đã thoáng hơn so với trước nhưng vẫn còn là một số rào cản đối với nhiều người, nhất là đối với những người lao động nghèo khó không có nhà ở hợp pháp. Và rồi hệ lụy của việc không có hộ khẩu là không làm được các giấy tờ tùy thân khác như CMND, giấy tờ về hộ tịch

Được biết Nhà nước từng có đề án cấp mã số công dân thay thế cho hộ khẩu và CMND nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Theo dự kiến, công dân được cấp mã số này từ khi sinh ra và mã số đó sẽ theo suốt cuộc đời mỗi người. Thông tin về chuyện học hành, làm việc, kết hôn… đều được cập nhật theo mã số. Việc quản lý công dân bằng thẻ sẽ tạo điều kiện cho người dân được tự do đi lại, tự do cư trú mà không còn bị lệ thuộc vào hộ khẩu. Theo tôi, đây là một công việc khó nhưng cần phải làm càng nhanh càng tốt.

Không thể làm khác hơn

Theo điểm b khoản 1 mục 3 Điều 1 Nghị định 56 ngày 24-5-2010 của Chính phủ, người muốn đăng ký thường trú vào nhà thuê, mượn, ở nhờ phải có hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở được công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã. Có điều tại TP.HCM, UBND cấp xã đã không còn quyền chứng thực hợp đồng này.

Trước đây, những người thuộc diện trên có thể nộp giấy xác nhận tình trạng nhà, đất của UBND cấp xã nhưng khi có Quyết định số 65 ngày 8-9-2010 của UBND TP.HCM thì giấy xác nhận này đã bị bãi bỏ. Cho nên, nếu người dân không có hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở được công chứng thì công an quận không thể cho nhập hộ khẩu.

Trung tá VÕ THỊ THÚY, Đội phó Đội Quản lý hành chính
- Công an quận Bình Tân

Đối với trường hợp của bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (quận Gò Vấp), do bà có hộ khẩu gốc tại TP nên bà không cần phải có điều kiện tạm trú ở một nơi từ một năm trở lên. Song muốn nhập hộ khẩu thì bà phải có địa chỉ (số nhà) cụ thể nên bắt buộc bà phải có người bảo lãnh.

Đại tá NGUYỄN VĂN DUNG, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TP.HCM

K.PHỤNG - T.HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm