Khảo sát nhà liền kề: Không nên bắt buộc

(Viết tiếp ý kiến “Buộc phải khảo sát nhà liền kề là gây khó” trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 17-12).

Qua nghiên cứu Thông tư 39 và bằng thực tế đã trải qua, tôi cho rằng nhà nước chỉ nên khuyến khích chứ không nên bắt buộc người dân thực hiện việc kiểm tra hiện trạng công trình liền kề.

Có thể khẳng định chủ đầu tư và nhà thầu nào cũng đều mong muốn việc thi công được suôn sẻ, thuận lợi. Trừ một số ít người làm ăn ẩu tả, vô trách nhiệm, số đông còn lại luôn tìm hiểu kỹ lưỡng hiện trạng nhà, chất lượng đất nơi dự kiến xây dựng và các nhà, đất xung quanh. Từ đó, phía chủ đầu tư sẽ có những lưu ý cần thiết trong thi công để giảm thiểu và kịp thời khắc phục các sự cố xảy ra cho nhà lân cận.

Chẳng hạn, nếu rơi vào các khu dân cư cũ, nhà kế bên lại là nhà cấp bốn, hay có tường chung với nhà định xây mới thì việc tường nứt, tường bị thấm nước... rất dễ xảy ra. Trong trường hợp này, ngoài phương án thi công phù hợp với hiện trạng xung quanh, phía nhà thầu phải chuẩn bị ngay phương án khắc phục các phát sinh để không gây mất lòng chủ nhà lân cận và không làm gia tăng mức độ thiệt hại.

Vấn đề đặt ra, chủ xây dựng và chủ công trình lân cận có cần phải lập biên bản kiểm tra hiện trạng công trình liền kề để làm cơ sở giải quyết tranh chấp (nếu có)? Như tôi đã nêu ở trên, lâu nay phía chủ xây dựng vẫn thường xuyên khảo sát hiện trạng nhà xung quanh bằng nhiều cách khác nhau nhưng không phải lúc nào cũng thông báo hoặc yêu cầu nhà lân cận hợp tác.

Có hai lý do: 1. Phải khảo sát đầy đủ vì trước hết đó là lợi ích của chính mình. 2. Không cần chính thức thông báo vì có thể gây lo lắng, khó chịu cho người hàng xóm trong khi nghĩa vụ bồi thường thiệt hại vẫn luôn thuộc về phía chủ đầu tư tùy mức độ lỗi.

Khảo sát nhà liền kề: Không nên bắt buộc ảnh 1

Nên khuyến khích chứ không nên bắt buộc người dân kiểm tra công trình liền kề khi xây dựng. Ảnh minh họa: HTD

Với phương châm “một lần xây nhà là một lần khó”, “bán anh em xa mua láng giềng gần”, cách làm lặng thầm này đã mang lại nhiều hiệu quả đáng kể. Trong rất nhiều trường hợp, các bên đã cố gắng thương thảo theo hướng lần này mình dễ cho người khác thì lần sau người khác sẽ dễ cho mình.

Cần nói thêm, theo Thông tư 39, nếu nhà hàng xóm không hợp tác trong việc ghi nhận hiện trạng thì chủ xây dựng có thể yêu cầu UBND cấp phường hoặc đại diện tổ dân phố trợ giúp. Thoạt nghe rất đơn giản nhưng khi nhà hàng xóm đã không thích thì cách “huy động” này rất dễ làm không khí của hai nhà trở nên nặng nề.

Tuy nhà làm luật mong muốn kết quả kiểm tra hiện trạng nhà lân cận được dùng làm cơ sở giải quyết tranh chấp nhưng thực tế có được vậy không là điều cần bàn. Giả sử lúc khảo sát nhà A có một vết nứt tường, sau khi nhà B xây thì số vết nứt tăng lên 10. Chẳng lẽ nhà B chỉ phải bồi thường cho chín vết nứt theo phép tính trừ đơn giản? Trường hợp không thể thương lượng và phải dắt nhau ra tòa thì chắc chắn tòa phải căn cứ vào kết quả giám định của cơ quan chuyên môn để tính ra mức bồi thường hợp lý. Việc lập biên bản kiểm tra hiện trạng ban đầu tưởng hữu ích nhưng không phải vậy.

Theo hiểu biết của tôi, Thông tư 39 ra đời có liên quan đến nhiều sự cố nhà nghiêng xảy ra gần đây có liên quan đến lỗi thi công. Nhưng khi các sự cố dạng này không phổ biến thì việc đòi hỏi phải lập kết quả ghi nhận hiện trạng nhà liền kề e sẽ gây ra nhiều phiền toái cho số đông. Do đó, Bộ Xây dựng chỉ nên khuyến khích người dân làm việc này chứ không nên bắt buộc.

TRẦN VĂN TỨ (Quận 3)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm