Kém tài, háo danh nên phải sao chép!

LTS: Góp ý chuyên đề “Vấn nạn “luộc” sách - Đạo đức nhà giáo”, số đông bạn đọc cho rằng đạo đức học đường đang xuống cấp nghiêm trọng. Báo Pháp Luật TP.HCMxin khép lại chuyên đề này bằng bài viết của PGS-TS Nguyễn Minh Hòa.

Kém tài, háo danh nên phải sao chép! ảnh 1
Trước hết, tôi chia sẻ quan điểm của GS-TS Trần Ngọc Thơ là nạn sao chép sách hiện nay là một “dịch bệnh” đáng lên án. Tuy nhiên, tôi cho rằng hiện tượng đó chỉ là cái nhọt xì ra trong một cơ thể đang ốm yếu. Do vậy, trong bài viết này tôi không đi vào trường hợp cụ thể mà muốn bàn đến nó từ khía cạnh vĩ mô và muốn nói về những cái lỗi mang tính hệ thống mà mỗi cá nhân chỉ là cái đinh ốc nhỏ bé.

Lỗi hệ thống

Theo quy định, muốn được phong GS, PGS thì các tiến sĩ (TS) phải có sách giáo trình. Mà giáo trình là những vấn đề khoa học rất cơ bản và thường là cổ điển liên quan đến quy luật, nguyên lý… nên chỉ có ít người uyên thâm mới viết được và phạm vi được đề cập cũng không quá rộng để cho mọi người cùng tham gia “thị phần”. Nhưng vì giáo trình là tiêu chuẩn “cứng” để xét phong học hàm nên mọi TS muốn trở thành GS, PGS đều cố sống cố chết qua được cửa ải này. Và chính từ yêu cầu này mà xuất hiện hàng trăm thợ lắp ghép, sao chép. Người thạo việc thì biết cách làm cho tác phẩm của mình có vẻ khác đi so với nguyên bản bằng cách thay đổi thứ tự các chương, thêm vào các “rằng, thì, là, mà” và sơn phết thật khéo sao cho chỗ ghép khó nhìn thấy; còn người vụng về (hoặc ngớ ngẩn) thì cứ thế mà bê nguyên si, chẳng thèm thay đổi, hay nói đúng hơn là chỉ thay đổi mỗi tên tác giả.

Chúng ta sản xuất ra quá nhiều TS mà trong số đó có rất nhiều người thực sự dỏm (không dưới 30%) nhưng oái oăm là ở chỗ khi trót mang danh là TS mà không có cái gì trình làng thì cũng khó coi. Điều này cũng giống như những người bất tài trong làng nhạc được công chúng gán cho (hay tự gán) là “nhạc sĩ” mà không sáng tác được bài nào thì kỳ quá nên mới phải đạo nhạc. Tương tự như thế, các TS phải đạo văn mà thôi.

Kém tài, háo danh nên phải sao chép! ảnh 2

Muốn chấn hưng giáo dục thì phải có nhiều người tài giỏi và đức độ. Ảnh: HTD

Đạo đức nghề nghiệp xuống cấp

Khổng Tử từng nói có hai thứ cứ dính vào tiền bạc là xã hội hỏng bét, đó là dạy người và cứu người. Ở Việt Nam, hiện nay cả hai thứ đó đúng là đang bị tiền bạc vật cho tơi tả, những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường đang đổ bộ ào ạt vào trường học. Hiểu một cách đúng nhất thì trường đại học giống như là một nhà máy sản xuất ra các máy cái cho xã hội, do vậy nó phải là môi trường của những người tài giỏi và đức độ. Thật sự thì chúng ta có rất nhiều thầy cô mẫu mực, yêu thương học sinh, có lòng tự trọng nghề nghiệp cao, có cả đức lẫn tài năng.

Nhưng cũng có nhiều người thật tệ. Hiện tượng mua bán bằng cấp, bán đề thi, bán điểm khống để nhận tiền, quà biếu và những bữa nhậu với hai, ba tăng không còn là chuyện hiếm. Nhiều người bảo vệ xong thạc sĩ, TS mà sợ bạc đầu đến già vì cái giá phải trả bằng tiền mặt cho mảnh bằng cao quá, học trò phải đi lễ cho thầy, vợ thầy, con thầy và cả người đã mất của nhà thầy vào mọi lúc, mọi nơi. Nhiều người thầy không giỏi nhưng lại háo danh và đã vận vào mình tất thảy những thứ nhặt nhạnh được.

Hầu hết các luận văn tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ, TS là sao chép của nhau, chuyện đó không trách được trò, vì nói cho cùng học trò cũng là bản sao của thầy. tệ hơn nữa thầy không chỉ sao chép của đồng nghiệp mà còn của cả học trò nữa. Thật ra đạo văn là một dạng chôm chỉa nhưng ở mức thấp, cao hơn và tinh vi hơn là ăn cắp ý tưởng và tư tưởng của người khác biến thành của mình với cách trình bày khác.

Nhiều người có trách nhiệm cho rằng muốn chấn hưng giáo dục Việt Nam thì phải có nhiều tiền, phải có yếu tố ngoại, phải có nhiều bằng cấp cao. Tất thảy đều đúng hết nhưng rồi tất thảy sẽ vô nghĩa và vô dụng nếu đạo đức học đường xuống cấp đến đáy. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này? E là một câu hỏi khó vì xung quanh nó là cả đám dây mơ rễ má lùng nhùng.

Ai đó sẽ nói những hiện tượng đó chỉ là số ít như những con sâu làm rầu bát canh. Nhưng đã khi nào chúng ta tự hỏi nếu sâu nhiều quá thì người ta có nên ăn bát canh đó nữa hay không và nếu ăn thì ăn như thế nào?

PGS-TS ĐỖ TẤT NGỌC, Chánh văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước:

Sẽ xem xét việc tước bỏ học hàm

Hội đồng đã tiếp nhận toàn bộ thông tin có liên quan đến việc “luộc sách” của PGS-TS Phan Thị Cúc, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và cũng là thành viên của hội đồng. Hội đồng sẽ tổ chức kiểm tra ngay sự việc này và khoảng 10 ngày nữa sẽ có kết quả.

Năm 2009, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước có tiếp nhận một trường hợp vi phạm tựa như vụ việc của PGS-TS Cúc. Theo quy định, ngay sau khi có kết quả xác định có việc dối trá, hội đồng sẽ có quyết định bãi nhiệm chức danh ngay. Bởi khoa học là phải trung thực. Mọi người được quyền tham khảo thông tin nhưng bắt buộc phải dẫn nguồn cho dù đó là một câu, một đoạn hay một chương.

TỐ NHƯ ghi

NGUYỄN MINH HÒA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm