Họp phụ huynh không phải chỉ để góp tiền

Tuy chưa đến ngày khai giảng theo quy định nhưng rất nhiều trường đã tổ chức dạy học và họp phụ huynh. Về lý, họp phụ huynh là để nhà trường thông báo chương trình học tập, tình hình và kết quả học tập của trẻ; giải đáp những thắc mắc của gia đình về việc học của trẻ… Nhưng do chưa học được bao nhiêu và cũng theo thông lệ lâu nay nên các cuộc họp đầu năm thường sa vào việc bàn về những khoản đóng góp. Ở cuộc họp phụ huynh lần hai vào cuối học kỳ một, đúng là giáo viên chủ nhiệm có thông báo kết quả học tập cụ thể nhưng nội dung tiếp sau đó cũng lại là… đóng tiền. Từ chỗ này, các cuộc họp phụ huynh gần như không còn nhiều ý nghĩa thắt chặt mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường (thậm chí phụ huynh không cần dự họp, miễn sao đóng đầy đủ các khoản vận động là được!).

Bên thờ ơ, bên không mặn mà

Họp phụ huynh chỉ là một trong những biện pháp phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục trẻ. Vậy nếu cuộc họp phụ huynh chưa đạt được kết quả như mong muốn thì các biện pháp còn lại đã được triển khai thế nào?

Họp phụ huynh không phải chỉ để góp tiền ảnh 1

Đại diện hội cha mẹ học sinh trao giấy khen cho những học sinh có thành tích cao trong năm học. Ảnh minh họa: THÁI HIẾU

Nếu xem thêm sổ liên lạc, mọi người rất dễ nhận thấy sự trao đổi thông tin giữa hai phía còn hạn chế. Trong sổ này thường chỉ có điểm số các môn học, vài nhận xét ít ỏi, đại loại “môn x. còn hạn chế, cần nỗ lực hơn”, “trong giờ học còn thụ động, cần tích cực phát biểu hơn”. Phía gia đình sau khi đọc xong cũng thường chỉ ký tên để chứng tỏ là có đọc chứ cũng không góp ý nhiều. Coi như giữa đôi bên chỉ dừng lại việc có ghi/xem sổ liên lạc. Với sổ liên lạc điện tử cũng vậy, dù có nhiều khoảng trống để ghi ý kiến, nhận xét nhưng ít có giáo viên hay phụ huynh nào dành nhiều thời gian để viết cho đầy đủ thông tin.

Khi nhận học sinh vào học, nhà trường thường không quan tâm nhiều đến thói quen, tính tình, sở thích… của trẻ. Còn với phụ huynh, khi gửi trẻ cho nhà trường cũng hiếm khi cho giáo viên biết những đặc điểm đó của con em mình. Trong quá trình dạy học, chỉ khi trẻ có vấn đề gì nổi bật (cả tích cực lẫn tiêu cực) thì giáo viên mới cho phụ huynh biết một số (chỉ những nét cơ bản) đặc điểm của trẻ. Như vậy, đang có một khoảng trống trong sự quan tâm giữa nhà trường và gia đình đối với trẻ. Khoảng trống đó có thể phát sinh những vấn đề bất ngờ, khó lường trước và thường là không tích cực.

Trong thực tế, để biết thời gian trên lớp, trong trường, con em mình đã học tập như thế nào, quan hệ với các bạn ra sao…, các phụ huynh hay chọn cách phổ biến là hỏi trẻ (một số cách khác như trực tiếp quan sát, theo dõi qua ghi hình trực tuyến… rất khó thực hiện). Nhưng trẻ thường trả lời không đầy đủ, nhất là đối với một số hoạt động mang tính thói quen, vô thức trẻ cũng khó kể lại chính xác… Đáng nói là với trẻ học bán trú hoặc học hai buổi ở trường, thời gian trên lớp của trẻ chiếm hơn 1/3 thời gian trong ngày. Trừ khoảng thời gian còn lại phần nhiều dành để ngủ, nghỉ ngơi thì thời gian gần gũi giữa cha mẹ và con cái còn lại rất ít. Vậy là tiếp tục có một khoảng trống khác trong sự quan tâm của gia đình đối với trẻ.

Trẻ dễ bị thiệt

Để trẻ phát triển tâm sinh lý đúng hướng, đầy đủ, nhà trường và gia đình phải có sự hợp tác chặt chẽ bằng những phương pháp phù hợp. Trong đó cần tránh quan tâm quá nhiều vào việc học mà xem nhẹ những biểu hiện khác. Chẳng hạn nên lý giải vì sao trẻ thụ động, ít phát biểu: Có phải trẻ không thích học môn này, trẻ chưa chuẩn bị bài kỹ, giáo viên chưa biết cách gợi câu hỏi phù hợp với trẻ, trẻ nghe không rõ, trẻ không thích sôi nổi…? Hay việc kết bạn của trẻ cũng rất đáng quan tâm. Trẻ có chơi với nhiều bạn không? Trẻ chơi với những nhóm bạn nào, nam hay nữ, những bạn đó học có chăm không, có hay nghịch không…? Trẻ đối xử với bạn như thế nào, hòa đồng, gần gũi, hay thích chỉ huy, hoặc sẵn sàng chịu sự sai khiến của bạn? Trẻ có hay chia sẻ đồ vật, quà bánh với bạn không, có hay kể chuyện cho bạn nghe và nghe bạn trò chuyện không? Trẻ thích những trò nào với bạn, có hay sử dụng bạo lực không, có mắng mỏ bạn hoặc phản ứng khi bị bạn mắng không...? Tất cả những điều đó đều có thể biểu hiện một dạng tâm lý, một tính cách của trẻ mà nếu ta hiểu rõ thì có thể uốn nắn, định hướng kịp thời.

Nên nhớ nếu phía này có ý giao khoán hoặc đổ trách nhiệm cho phía bên kia thì thiệt thòi luôn thuộc về trẻ, tức là thiệt thòi chung của toàn xã hội.

TRỊNH MINH GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm