Học sinh quá tuổi có được tính giảm trừ?

Theo điểm 3.1.4 mục I phần B Thông tư 84 ngày 30-9-2008 của Bộ Tài chính thì con dưới 18 tuổi; con trên 18 tuổi bị tàn tật, không có khả năng lao động; con đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá 500.000 đồng/tháng được xét là người phụ thuộc của người nộp thuế. Vậy con trên 18 tuổi đang học phổ thông trung học thì sao?

Bỏ quên học sinh phổ thông 18 tuổi

Bạn đọc Lang Lieu ở địa chỉ email licus_9@yahoo.com.vn phản ánh: Chị có hai con, người con đầu đang học đại học năm thứ hai, người con thứ hai sinh ngày 2-1-1991 đang học cấp ba. Khi chị làm thủ tục để đăng ký cả hai con là người phụ thuộc thì Cục Thuế tỉnh nọ không chấp thuận trường hợp của đứa con thứ hai với lý do: “Tạm thời không được miễn trừ, do con thứ hai đã đủ 18 tuổi”. Theo chị Lang Lieu, việc từ chối như vậy không hợp lý vì học sinh phổ thông không thể đủ sức để tự lo kinh tế cho bản thân.

Tương tự, chị Ngọc Hoa (quận 6, TP.HCM) cũng có đứa con trai sinh tháng 4-1991. Theo Thông tư 84, con trai chị được tính là người phụ thuộc của chị cho đến hết tháng 3-2009 (tính đủ theo tháng). Chị Hoa thắc mắc: “Sau thời gian này, con trai tôi tròn 18 tuổi. Không lẽ từ lúc đó phải tạm dừng việc giảm trừ gia cảnh cho con, đợi cháu vào được đại học, cao đẳng... thì mới tính giảm trừ tiếp?”

Thêm nữa, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông vào mùa hè, nếu trúng tuyển vào đại học, cao đẳng thì các tân sinh viên cũng phải đợi đến tháng 9, tháng 10 mới bắt đầu năm học mới. Trong thời gian này, những em đã đủ 18 tuổi có được tính là người phụ thuộc?

Tính sao với những trường hợp trên?

Trên thực tế, có rất nhiều người trên 18 tuổi đang học trung học phổ thông. Theo ông Nguyễn Yểng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 6, TP.HCM thì: “Học sinh đang đi học phổ thông, chưa có thu nhập vẫn được xét là người phụ thuộc dù có trên 18 tuổi đi nữa. Phải hiểu rộng ra chứ không nên quá cứng nhắc, vịn vào từng câu chữ trong thông tư”.

Bà Trịnh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TP.HCM, cũng cho rằng: “Dù Thông tư 84 không nêu nhưng chúng ta vẫn có thể vận dụng các quy định của thông tư để xét học sinh phổ thông trung học trên 18 tuổi là người phụ thuộc. Bởi lẽ các em là người “đang theo học”, không có thu nhập”.

Bà Thủy phân tích: “Thử so sánh trường hợp sau: em A và em B cùng sinh vào năm 1991, trong đó em A sinh vào đầu năm, em B sinh vào cuối năm. Cả hai em cùng học lớp 12. Nếu chỉ xét trường hợp dưới 18 tuổi (tính theo tháng) thì trong lúc em B vẫn còn được tính là người phụ thuộc, em A lại không. Điều này không hợp lý vì cả hai em đều cùng đang đi học như nhau”.

Cũng theo bà Thủy, trong thời gian học sinh tốt nghiệp cấp ba chờ nhập học ở bậc đại học, cao đẳng... các em cũng cần được xét là người phụ thuộc cho đến đầu năm học mới. Khi trúng tuyển, nhập học, các em tiếp tục được tính là người phụ thuộc cho đến khi ra trường. Còn ngược lại thì kết thúc giảm trừ gia cảnh. Bà Thủy nêu lý do: “Thời điểm các em chờ nhập học chỉ có vài tháng, nếu kết thúc giảm trừ thì sau đó người nộp thuế phải làm mới lại thủ tục đăng ký và chứng minh người phụ thuộc, phía chính quyền cơ sở và cơ quan thuế cũng phải ôm thêm việc không cần thiết”.

Xem ra, các cơ quan thuế của TP.HCM đã phân tích, xử lý ổn thỏa việc xét giảm trừ cho con trên 18 tuổi học trung học phổ thông. Nhưng để loại trừ các cách giải quyết khác nhau, gây khó khăn cho người nộp thuế, có lẽ Tổng cục Thuế (hoặc Bộ Tài chính) cần sớm ra văn bản thống nhất hướng xử lý.

ÁI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm