Hở chút là dùng bạo lực!

Giá như người có lỗi chịu lên tiếng xin lỗi hoặc cả hai cùng xin lỗi thì tình hình đã khác. Nhưng không, họ lời qua tiếng lại và sau đó người nọ lao vào đánh người kia tới tấp mặc cho người đi đường la hét ầm ĩ: “Tránh ra, kẹt xe!”. Người đánh sau khi thấy mình đã đánh đủ liền leo lên xe cho người bạn gái đi cùng chạy thẳng. Thấy vậy, phụ nữ bị đánh cũng lập tức quay xe lại, quăng luôn mũ bảo hiểm bên đường để đuổi theo người đã đánh mình. Chứng kiến vụ việc trên những người đi đường chỉ biết lắc đầu ngao ngán: “Phụ nữ gì mà...”.

Ngày 6-8, cũng tại đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn giao với quốc lộ 1A), hai người đàn ông trung niên đã xúm lại vây đánh một thanh niên khi hai xe máy va quẹt nhau. Người thanh niên đã bỏ chạy khi biết mình không thể nào đánh lại hai người đàn ông kia.

Lần khác, tôi chứng kiến một vụ sử dụng bạo lực ngoài đường mà tôi nghĩ là không đáng. Một người đàn ông đang đi đường thì bị hai thanh niên đi cùng chiều quẹt nhẹ. Chẳng nói lời nào, người đàn ông này dừng xe, dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu hai thanh niên. Hai người này lập tức quay lại đánh tới tấp người đàn ông rồi… bỏ đi.

Cách đây vài tháng, gần nhà người quen của tôi có hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau chỉ vì những mâu thuẫn lặt vặt không dàn xếp được. Một lần, trong lúc người chồng đang ngồi nhậu với bạn bè, người vợ đã gọi anh mình đến “dạy cho chồng một bài học”. Và rồi người chồng do không kiềm chế được đã dùng dao đâm thủng ruột người anh vợ. Hậu quả là người anh vợ phải nhập viện, người chồng đi tù, còn người vợ phải tự mình bươn chải để nuôi đứa con nhỏ.

Ai đó nói nguyên nhân của các vụ bạo lực nêu trên là sự vô trách nhiệm, thiếu các chuẩn mực đạo đức. Vậy cách nào để giảm thiểu?

Ba nguyên do

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng thích sử dụng bạo lực. Thứ nhất, do môi trường sống hiện nay quá nhiều rủi ro, thiếu an toàn nên con người có tâm lý căng thẳng, cảnh giác, tự vệ với những người xung quanh nên hễ có đụng chạm là họ sẵn sàng đánh nhau. Thứ hai, do khả năng tự chủ, tiết chế cảm xúc của mỗi người còn thấp. Họ không nhận thức được những hậu quả sẽ ảnh hưởng đến chính mình và người thân. Thứ ba, tính cá nhân của mỗi con người trong xã hội ngày nay quá cao và họ luôn đặt lợi ích của mình lên hàng đầu.

Chúng ta nên có những biện pháp giáo dục, răn đe con em của mình từ khi còn nhỏ, khuyến khích các em làm nhiều việc tốt, không nên làm việc xấu. Nhà trường, gia đình và xã hội cần quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng nhân cách để trẻ em sau này trở thành người có ích cho xã hội.

Một chuyên gia tâm lý

NGUYỄN VÕ PHƯƠNG (Phường 9, quận 5, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm