Hiệu lực của quyết định

Dù không có căn cứ nhưng UBND thị xã vẫn ra quyết định buộc mẹ con tôi phải dỡ nhà trả đất. Mẹ tôi tiếp tục khiếu nại thì ngày 25-5-2003, UBND tỉnh đã ra quyết định bác đơn khiếu nại của mẹ tôi. Sau đó, UBND thị xã đã ra quyết định cưỡng chế, chỉ cho gia đình tôi sử dụng 134,75 m2, số diện tích còn lại giao trả cho người tranh chấp. Cách giải quyết này đúng hay sai?

Cẩm Nhung (camnhunghcm@...)

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO trả lời: Theo khoản 2 Điều 38 Luật Đất đai năm 1993 (có hiệu lực trong trường hợp của chị), đối với các tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa cá nhân, hộ gia đình với nhau mà người sử dụng đất không có giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND cấp huyện có nhiệm vụ giải quyết. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết của UBND cấp huyện, đương sự có quyền khiếu nại lên UBND cấp tỉnh. Quyết định của UBND cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.

Như vậy, dù nội dung thế nào thì quyết định giải quyết tranh chấp đất của UBND tỉnh mà chị nêu trong thư đã có hiệu lực thi hành vào năm 2003.

2. Chuyển mục đích sử dụng đất

Tôi có mua một miếng đất nông nghiệp (4 x 12 m) và đã được cấp giấy đỏ. Nay theo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận thì đất đó thuộc hành lang xe lửa. Vậy tôi có thể xin chuyển sang đất ở hay xin phép xây dựng tạm hay không?

Nguyễn Văn Khoa (khoavantu@...)

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HÙNG trả lời: Để chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở thì phải đảm bảo ba điều kiện: loại đất sau khi chuyển mục đích phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết; phải được UBND cấp huyện nơi có đất cho phép; phải nộp tiền sử dụng đất. Như vậy, nếu diện tích đất của anh không đảm bảo điều kiện về quy hoạch thì anh không thể làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.

Ngoài ra, nếu không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thì anh không thể làm thủ tục xin phép xây dựng tạm.

Sẽ xin ý kiến Hội đồng bán nhà ở thành phố

Tháng 7-2001, tôi ký hợp đồng với Công ty Quản lý và Kinh doanh nhà TP.HCM để mua một căn nhà ở quận Phú Nhuận. Theo hợp đồng, tôi phải trả tiền trong vòng 10 năm, mỗi năm trả một lần. Trong bảy năm đầu, việc nộp tiền diễn ra suôn sẻ nhưng đến lần nộp tiền thứ tám thì phát sinh vấn đề. Một người con của tôi cũng có tên trong sổ lưu cư lập năm 1988 đã khiếu nại với lý do tôi tự ký hợp đồng mua nhà mà không hỏi ý kiến của con. Đến nay, dù thời điểm thanh lý hợp đồng đã đến nhưng tôi vẫn chưa thể nộp đủ tiền để được xét cấp giấy chứng nhận như đã thỏa thuận. Tôi phải chờ đến bao giờ?

La Thị Việt Nam (số 239/1 Trần Kế Xương, quận Phú Nhuận, TP.HCM)

Ông HUỲNH NAM TRUNG, Phó Trưởng phòng Bán nhà, Công ty Quản lý và Kinh doanh nhà TP.HCM, trả lời: Do có phát sinh tranh chấp giữa những người có quyền lợi liên quan nên chúng tôi phải tạm ngưng việc thu tiền để giải quyết mâu thuẫn. Chúng tôi có đưa ra nhiều cách giải quyết như làm thêm phụ lục hợp đồng để hai bên cùng đứng tên mua hay hai bên có thỏa thuận riêng để bà Nam mua rồi sau đó phân chia nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất ý kiến. Sắp tới, chúng tôi sẽ mời hai bên đến thương lượng lần nữa. Nếu họ vẫn không thống nhất ý kiến thì công ty sẽ gửi văn bản đề nghị Hội đồng bán nhà ở TP có ý kiến để xử lý dứt điểm vụ việc.

GIA NGHĨA ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm