Hậu quả đau lòng từ việc người tâm thần gây trọng án

Trong khi đó, những hậu quả để lại là hết sức đau lòng.

Điều đáng lo ngại hơn, hiện ngày càng xuất hiện nhiều người có tiền sử bệnh liên quan đến tâm thần bỏ nhà đi lang thang, không ai kiểm soát đang gây ra những nguy hiểm cho cộng đồng.

Cách đây không lâu, ông Đỗ Sỹ Trung, 67 tuổi, trú tại 54/2 đường Nguyễn Văn Linh, phường Đông Hải, quận Lê Chân trong lúc đang đứng trước quán nước của gia đình, bất ngờ bị Đoàn Hữu Lân, 51 tuổi, trú tại 63/2, đường Nguyễn Văn Linh tấn công. Lân dùng búa sắt cán gỗ đập liên hồi vào đầu ông Trung khiến ông bị trọng thương, đến 19 giờ cùng ngày thì chết do bị chấn thương sọ não.

Cơ quan điều tra đã làm rõ, giữa ông Trung và Lân không có thù oán gì. Còn Trung tâm giám định pháp y tâm thần cho biết, Lân bị mắc bệnh tâm thần (bệnh loạn thần do rượu/rối loạn phân liệt). Bởi vậy, cứ mỗi khi uống rượu vào, người bệnh lại có cơn hoang tưởng ảo giác chi phối, mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi.

Gần đây nhất, tại ngõ 2A, đường Bạch Đằng, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, Nguyễn Thành Nam, 30 tuổi cũng bị mắc chứng bệnh trên đã cầm rìu đuổi ông Phạm Thế Lãng, 58 tuổi, ở 22/5, đường Quang Đàm, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng. Khi ông Lãng bỏ chạy, Nam quay lại đập nát và đốt trụi hoàn toàn chiếc xe máy BKS: 16F7-8169 của nạn nhân và làm đường ống bảo vệ cột điện cao thế cũng bị cháy.

Hậu quả đau lòng từ việc người tâm thần gây trọng án ảnh 1
Người tâm thần lang thang là mối lo với cộng đồng. 

Hai trong số hàng chục vụ người tâm thần gây ra những hậu quả đau lòng nêu trên xảy ra ở Hải Phòng trong 2 năm qua (2009- 2010) cho thấy có một điểm chung là những người bệnh này hầu như không được cơ quan y tế, gia đình giám sát, quản lý. Ở đây có sự buông lỏng mang tính phổ biến liên quan đến trách nhiệm của các cơ sở y tế phường, xã và thân nhân người bệnh.

Giám đốc bệnh viện tâm thần, cụm II Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng, ông Bùi Sỹ Khoái nhận định: "Tình trạng người tâm thần không còn khả năng nhận thức hành vi, dẫn đến những hành động nguy hiểm (tự hủy hoại bản thân, tự sát, giết người…) không chỉ là nỗi lo của mỗi gia đình mà là nỗi lo chung của toàn xã hội. Khi gia đình có người mắc bệnh tâm thần, người nhà cần phải đưa vào các cơ sở chữa bệnh dành cho người tâm thần để điều trị, đây chính là biện pháp hữu hiệu nhất góp phần hạn chế những hậu quả đáng tiếc do người tâm thần gây ra".

Theo nguyên tắc, khi nắm được trong địa bàn có người bị bệnh tâm thần, trạm y tế xã, phường phải tổ chức những đợt kiểm tra nhằm đánh giá năng lực, hành vi của người bệnh, cho cấp thuốc nếu họ trong diện điều trị ngoại trú. Cùng với đó, một khâu đặc biệt quan trọng là các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm hướng dẫn cách xử trí mỗi khi người bệnh lên cơn, đồng thời đề ra những biện pháp giúp người bệnh có thể tái hòa nhập. Tuy nhiên, những nguyên tắc này lâu nay thường bị cấp cơ sở bỏ qua. Chình vì vậy, chuyện người tâm thần gây án đang là chuyện xảy ra hàng ngày ở bất kể thôn, xóm, tổ dân cư nào ở Hải Phòng. Đặc biệt, việc họ đi lang thang, không ai kiểm soát luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ra những mối nguy hiểm khó lường.

Qua trao đổi với một số luật sư của Đoàn Luật sư Hải Phòng, chúng tôi được biết thêm: đối với các vụ án do người tâm thần hoặc có biểu hiện tâm thần gây ra, cần phải chia thành hai trường hợp cụ thể. Thứ nhất, trường hợp bị bệnh tâm thần trước khi gây án, thì người bệnh không phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật. Nhưng khi người tâm thần gây ra thiệt hại về mặt dân sự cho người khác, người giám hộ hoặc gia đình phải có nghĩa vụ bồi thường. Thứ hai, trường hợp gây án xong thì mới bị tâm thần, theo quy định chung phải bắt buộc chữa bệnh, giám sát. Sau khi điều trị hết bệnh thì người đó có thể bị xử lý hình sự theo các quy định chung của pháp luật hiện hành.

Quy định là vậy, song trên thực tế, việc xử lý đối với các đối tượng và thân nhân họ lại hoàn toàn không dễ dàng. Chị Đỗ Thị Oanh, chủ một quán nước trên đường Lê Hồng Phong, quận Hải An ngậm ngùi: Mới đây, chị bị một người tâm thần vào… cướp đồ uống rồi đập vỡ luôn vỏ chai đâm chị một nhát chí mạng vào sườn. Đối với người bình thường thì đã có pháp luật xử lý và bồi thường tiền thuốc men nhưng đối với những người mang bệnh lý như vậy chị và chồng con buộc phải cắn răng mà chịu, không biết làm thế nào.

Thực trạng nhức nhối trên một lần nữa cho thấy, nếu không có biện pháp tức thì trong quản lý, điều trị nhóm đối tượng trên, mức độ nguy hại của họ gây ra cho cộng đồng còn rất nặng nề. Hơn lúc nào hết, để chủ động phòng ngừa một cách hữu hiệu mối hiểm họa người bệnh tâm thần xâm hại tính mạng, tài sản công dân, các cơ quan chức năng (Công an, y tế…) trên địa bàn thành phố cần phối hợp chặt với các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền phường, xã ở địa bàn cơ sở sớm có thống kê mới về số lượng, danh tính cụ thể số người mắc bệnh, tập trung vào số đã có tiền sử hoặc đang có biểu hiện liên quan đến bạo lực cá nhân. Trên cơ sở đó, phối hợp thật chặt chẽ với gia đình họ có biện pháp quản lý, giám sát theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, mọi yếu tố là điều kiện, nguyên nhân phát sinh hoặc tác động tiêu cực khiến người tâm thần có những hành vi phá phách, gây rối như để người thân mình đang mắc bệnh sử dụng các chất kích thích (rượu, bia, ma túy…); thiếu quan tâm, chăm sóc người bệnh, bỏ mặc cho họ lang thang, không có những biện pháp chữa trị tại cơ sở y tế chuyên ngành v.v… cũng cần phải được xem xét, có những chế tài xử lý nghiêm…          

 
Theo Trịnh Long (CAND)
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm