Giăng dây diệt sóc phá hoại hoa màu

Sóc là loài chuột bay, phi thân rất giỏi. Nó dùng đuôi lông mềm làm bánh lái khi chuyền từ ngọn dừa này sang ngọn dừa khác. Làm tổ sinh con trên ngọn dừa, ngọn cau, sóc sinh sản theo cấp số nhân. Chừng ba tháng nó lại sinh một lứa, mỗi lứa 3-4 con. Do trái cây là nguồn thực phẩm sinh sống của sóc nên nhà vườn phải chịu nhiều thiệt hại lớn, đôi khi mất trắng.

Đau lòng trước cảnh dừa chưa kịp dán cháo đã bị sóc khoét lỗ rụng đầy gốc, cha tôi dùng súng hơi để bắn sóc. Nghe tiếng lá xào xạc, nhìn lên thấy sóc chuyền cành, cha lập tức nhảy mương đuổi theo. Sóc có thói quen chạy một khoảng là dừng lại, ngồi trên sóng lá dừa vuốt râu nghe ngóng. Cha bắn phát nào trúng phát ấy, tôi chỉ có việc nhặt sóc và buộc cổ xâu vào. Tuy vậy, cách này không hiệu quả vì lũ sóc quá đông.

Nghĩ cả làng phải chung tay diệt sóc thì mới hiệu quả, cha tôi đề xuất phương án giăng dây. Khu vườn ấp Lương Phú trải dài dọc bờ sông Bảo Định, từ bờ kênh đến rạch Cầu Sắt. Ở hai bên bờ rạch, dừa mọc san sát nhau. Tử địa của lũ sóc là mặt nước rạch Cầu Sắt. Nếu rơi xuống nước, sóc sẽ thành con chuột ướt bơi lõm bõm, tha hồ tóm cổ.

Giăng dây diệt sóc phá hoại hoa màu ảnh 1

Nhiều trái ca cao bị hư do sóc (ảnh nhỏ) dùng răng cửa moi ruột ra ăn. Ảnh:TÂM PHÚC

Cha tôi cho giăng dây ở đầu cái mõm vườn từ ngọn lá dừa cao nhất qua ngọn dừa vườn bên kia rạch. Lực lượng nam phụ lão ấu hăng hái tập trung dưới đất, dàn hàng ngang ở đầu vườn, khoảng cách cự ly đều nhau. Khi có lệnh, mọi người hò hét đồng loạt tiến lên gõ thùng thiếc, gõ ống tre vào thân cây dậy cả xóm làng. Nghe động, lũ sóc rời khỏi tổ phi thân về phía trước. Bị xua đuổi dồn đến bước đường cùng, chúng đành tìm đường thoát qua xóm vườn bên kia rạch theo những sợi dây giăng sẵn. Trên ngọn dừa bên kia, có người ngụy trang nấp chờ, cứ thấy chú sóc nào cùng đường theo dây giăng tẩu thoát là rung dây cho sóc rơi tõm xuống nước. Thấy con trước nhảy múa theo cầu dây, con sau cũng lao theo để rồi lộn cổ xuống nước.

Sóc bị diệt không sót một mống. Cả làng vui vẻ hả hê, chia đều chiến lợi phẩm thu được. Bữa cơm chiều hôm ấy, nhà nào cũng có thịt sóc quay, sóc băm nhỏ xào sả xúc bánh tráng nướng.

Tôi chép lại chuyện này để trao đổi kinh nghiệm diệt sóc thời trước với bà con miệt vườn miền Tây đang bị sóc phá hoại vườn ca cao.

TRẦN KIM TRẮC (Quận 3, TP.HCM)

(Nhân đọc bàiSóc hoang dã phá vườn miền Tây”, Pháp Luật TP.HCMngày 4-3)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.