Gian nan tiếp sức công nhân đến trường

Quỹ hỗ trợ công nhân TP.HCM vừa tổ chức diễn đàn Tiếp sức cho công nhân đi học lần II tại Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước (xã Long Thới, huyện Nhà Bè). Diễn đàn lần này nhằm kết nối nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp và ngành nghề học tập của công nhân để phát triển nguồn nhân lực, đồng thời giúp công nhân cải thiện vị trí làm việc, thu nhập, nhận biết được giá trị sống và trải nghiệm học tập.

Tại diễn đàn, công nhân được các trường cao đẳng, trường nghề tư vấn các ngành học phù hợp với thời gian và mức thu nhập. Các công nhân bày tỏ do KCN Hiệp Phước ở khá xa trung tâm thành phố nên việc học tập để nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề còn gặp nhiều khó khăn. Tại các KCX-KCN có đông công nhân đi học như Tân Tạo, Linh Trung, Vĩnh Lộc, dù ở gần các trường đại học, cao đẳng, trường nghề nhưng nhìn chung các doanh nghiệp vẫn chưa khai thông con đường học hành cho người lao động để nâng cao kiến thức văn hóa lẫn trình độ tay nghề. Mặt khác, một số doanh nghiệp khá khắt khe với việc học của công nhân vì cho rằng ngành nghề công nhân theo học không phù hợp với vị trí họ đang làm, việc học tập chỉ mang lại lợi ích cho người lao động chứ chưa đem lại lợi ích cho công ty...

Gian nan tiếp sức công nhân đến trường ảnh 1

Quỹ hỗ trợ công nhân TP.HCM mới chỉ tiếp sức cho công nhân đến trường thông qua hoạt động cấp học bổng và cho vay vốn đi học (lãi suất 0%). Ảnh: P.ĐIỀN

Chính vì chưa tìm được tiếng nói chung nên sau hai năm triển khai chương trình Tiếp sức cho công nhân đi học, Quỹ hỗ trợ công nhân TP mới chỉ dừng ở giai đoạn hỗ trợ công nhân vay vốn (lãi suất 0%) và trao học bổng cho 522 công nhân với số tiền 2 tỉ đồng.

Trong hai năm qua, Quỹ hỗ trợ công nhân đã kết nối các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, nhà tuyển dụng, các nhà chiến lược về nhân sự, một số công ty tham gia cam kết hỗ trợ về thời gian và tài chính để cổ vũ cho công nhân đến trường. Đáng tiếc, không ít công nhân sau khi hoàn thành khóa học đại học, cao đẳng… rốt cuộc vẫn quay lại làm công nhân vì không được bố trí công việc mới, hoặc mức lương thấp hơn công việc đang làm, hay xin không được việc…

Theo Thạc sĩ Trần Minh Trọng, nguyên Giám đốc Quỹ hỗ trợ công nhân TP.HCM, sự thiếu hụt lao động phổ thông, công nhân của các doanh nghiệp thời gian vừa qua có một nguyên nhân sâu xa: Chính sách phúc lợi thấp và dường như không có các hoạt động đào tạo phát triển cho công nhân. Thực tế cho thấy những doanh nghiệp quan tâm đến việc đào tạo công nhân có năng suất lao động cao hơn, thì tỉ lệ bỏ việc thấp hơn. "Trong bối cảnh thị trường lao động phổ thông khan hiếm hiện nay, quan tâm đến đào tạo và phát triển người lao động đang là một lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp".

Cũng theo ông Trọng, các trường nghề, cao đẳng, đại học cần phải kết nối với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo nghề để có thể đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp hiện nay công nhân không chỉ có thể làm được nghề mà còn có kỷ luật, tác phong lao động tốt...

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm