Giám sát lỏng lẻo, Vinashin đắm chìm

Theo dõi vụ Vinashin, cảm giác chung của nhiều người là bức xúc trước việc tiền tỉ của dân bị trao cho một nhóm người lợi dụng chức quyền, ném tiền qua cửa sổ mà kỳ thực là mang lại lợi ích béo bở cho chính mình qua việc xâu bè kết cánh! Đọng lại sau đó là những câu hỏi tại sao những sai phạm động trời, dai dẳng nhiều năm trời lại có thể ngang nhiên tồn tại và ngày càng “leo thang” như căn bệnh ung thư di căn khắp cơ thể? Đằng sau những sai phạm của cá nhân đó là gì, dính đến những ai?...

Sau “thuyền trưởng” Phạm Thanh Bình bị bắt giam vào ngày 4-8 vừa qua, bốn cá nhân tiếp theo cùng đi trên “con thuyền không đáy” của Vinashin cũng vừa bị khởi tố, tạm giam. Qua đó hàng loạt sai phạm khác được hé mở trên công luận: mua tàu cũ nát về làm dự án không xong thì “hóa kiếp” xác tàu và “hóa kiếp” luôn hàng chục tỉ đồng thu được; qua mặt cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường) làm giấy tờ nhập nhà máy điện cũ nát đích thị là “rác độc hại”…

Tàu Bạch Đằng rõ ràng không phải là… con kiến. Nhưng khi dự án nâng cấp nó không thành thì người ta (Tổng Công ty Nam Triệu) “hô biến” nó lấy đi 70 tỉ đồng mà các đơn vị liên quan (Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy) cùng các cơ quan chức năng “không biết”. Tàu cao tốc Hoa Sen cũng không phải là … con kiến khi nó có giá trị trên 64 triệu euro. Nhưng những cá nhân có nghiệp vụ về hàng hải nói chung đã “lái” tinh thần chỉ thị của Thủ tướng theo hướng khác. Dự án đầu tư không được lập, hợp đồng mua tàu không được ký kết, khảo sát kỹ thuật cũng không, không chào hàng cạnh tranh…, nghĩa là chỉ ngay khi có chủ trương đồng ý về nguyên tắc của Thủ tướng thì người ta đã… mua rồi. Hậu quả là không chỉ một con tàu kém chất lượng được nhập về mà sau nữa là khoản tiền khổng lồ phải bỏ ra để sửa chữa nhưng cuối cùng đã phải… đắp chiếu.

Giám sát lỏng lẻo, Vinashin đắm chìm ảnh 1

Cũng vậy, dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng - Nam Định càng không phải là… con kiến nhưng 900 tấn thiết bị hết hạn sử dụng và được kê vào danh mục độc hại cấm nhập khẩu của nhà máy này vẫn được nhập về một cách đường hoàng. Lý giải, hồ sơ nhập khẩu thiết bị được mạo danh hai “ông lớn” là Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tại sao một dự án cực kỳ hoành tráng nhưng không nằm trong quy hoạch điện lực đã được Chính phủ phê duyệt lại có thể “lọt lưới” sự quản lý của chính quyền địa phương? Để rồi một lễ khởi công hoành tráng được tiến hành mà mãi sau đó cả tháng Bộ Công nghiệp mới có văn bản “tuýt còi”.

Sai phạm của các cá nhân nói trên bước đầu đã được xác định và cần tiếp tục mở rộng làm rõ. Song điều mà người dân mong đợi được làm đến nơi đến chốn chính là những điều kiện thuận lợi nào (nếu có) đã được tạo ra để các sai phạm đó có cơ hội tồn tại, phát triển trước trùng trùng cơ chế và hệ thống giám sát nội bộ, công tác thanh tra, kiểm tra… như thách thức dư luận và pháp luật.

LÊ CÔNG SĨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm