Găm thưởng tết để “néo” chân lao động

Vừa qua có không ít doanh nghiệp không chịu công khai tiền thưởng tết khiến người lao động bức xúc, dẫn đến đình công, tranh chấp lao động tập thể. Đỉnh điểm là mới đây, khoảng 3.000 công nhân ở Công ty TNHH Simone - Hàn Quốc (Long An) đình công để đòi quyền lợi, trong đó có yêu cầu công bố tiền thưởng tết.

Đau đáu thưởng tết

Chị Trang, công nhân Công ty Simone - Hàn Quốc, bộc bạch đã gần hết năm nhưng vẫn chưa thấy công ty đả động gì đến mức thưởng tết. Còn trước khi xảy ra đình công, công ty từng lên tiếng là phải đến ngày 29 tết mới có thưởng. Với chị, chuyến về quê ăn tết sắp tới đều trông chờ vào tiền thưởng cuối năm, bởi đồng lương công nhân ít ỏi (1,2 triệu đồng/tháng) đã phải gánh đủ mọi chi phí cho cuộc sống. Chị Trang ví von: “Tiền thưởng tết như một cái giá treo để công ty “néo” chân công nhân cuối năm”.

Tương tự, chị Loan (An Giang) cũng rất đau đáu về tiền thưởng tết, bởi nhờ số tiền đó chị mới định liệu được việc ở hay về. Chị thổ lộ: “Vợ chồng tôi đều làm công nhân, tổng thu nhập tròm trèm gần 3 triệu đồng. Do phải nuôi đứa con đang tuổi ăn học nên không để dành được bao nhiêu, đành phải chờ tiền thưởng mới biết năm nay gia đình sẽ ăn tết như thế nào”.

Nhiều công nhân xa quê bày tỏ phải đến khi nhận được tiền thưởng mới biết nên vui hay buồn trong dịp tết này. Tuy nhiên có thưởng là đã mừng, bởi nhiều công ty sẵn sàng kiếm đủ mọi lý do để “xù” tiền thưởng. Chị Hà (Quảng Bình) cho biết đã vào TP làm công nhân gần sáu năm. Đầu năm 2009, chị chuyển sang Công ty Nam Yang (Hàn Quốc) và từ đó đến nay gầy rạc người vì phải tăng ca liên tục. Đáng buồn hơn, mới đây chị đánh bạo lên phòng Nhân sự hỏi thăm và biết rằng năm nay mình không được thưởng tết. Lý do công ty đưa ra là cuối năm công nhân xin nghỉ việc nhiều nên không giải quyết thưởng. Chị đành ngậm ngùi nhận 1 triệu đồng tiền lương và quyết định nghỉ việc về quê sớm để sang năm tìm việc làm mới.

Găm thưởng tết để “néo” chân lao động ảnh 1

Nhiều vụ đình công vì không công bố tiền thưởng tết. (Ảnh minh họa) Ảnh: P.ĐIỀN

Chưa có chế tài xử lý

Theo các cơ quan quản lý lao động-tiền lương, hiện chưa có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng tết cho người lao động. Lợi dụng điều này, nhiều doanh nghiệp đủng đỉnh chờ đến cận tết mới thông báo có thưởng tết hay không. Lúc đó dù có tiền trong tay thì công nhân cũng khó xoay xở để có tấm vé về quê.

Về vấn đề này, ông Lê Xuân Thành, Vụ phó vụ Lao động tiền lương (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam, đều nhìn nhận: Trong pháp luật lao động chưa có quy định nào đề cập đến tiền thưởng tết cho người lao động. Còn trong thỏa ước tập thể chỉ đề cập khá chung chung là doanh nghiệp căn cứ vào kết quả kinh doanh, sản xuất hằng năm để quy định mức thưởng cho người lao động. Điều này đồng nghĩa với việc khi doanh nghiệp làm ăn có lãi thì người lao động mới có thưởng, còn lỗ thì đành chịu.

Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, khẳng định việc thưởng tết được thể hiện rõ trong Điều 64 Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, luật lại chưa nêu mức khung là bao nhiêu và thời điểm thưởng, cũng chưa có chế tài để xử lý khi người sử dụng lao động né thưởng. Theo ông Danh, luật quy định là một chuyện, điều quan trọng hơn vẫn là đạo lý và trách nhiệm của người sử dụng lao động khi cả năm người lao động đã gắn bó với công việc.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định

“Căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động, người sử dụng lao động thưởng cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định sau khi tham khảo ý kiến ban chấp hành công đoàn cơ sở.”

Điều 64 Bộ luật Lao động

Ai cũng trông chờ được thưởng tết

“Cuối năm, tâm lý người lao động nào cũng trông chờ có tiền thưởng tết. Do đó, nếu người sử dụng lao động tinh tế, vận dụng khéo léo đưa quy định về tiền thưởng vào thỏa ước tập thể thì vừa duy trì được mối quan hệ lao động tốt, vừa thu hút được lao động giỏi và hạn chế được đình công.”

TS NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động (Bộ LĐ-TB&XH)

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm