Đừng để thân nhân người bị bắt lo lắng

Tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề trong bài báo “Bắt tạm giam không báo ngay cho gia đình”, Pháp Luật TP.HCM ngày 24-12). Qua rà soát quy định, tôi nhận thấy Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 1988, năm 2003 đã có nhiều quy định về việc thông báo khi bắt tạm giam một ai đó. Trong đó, gia đình và chính quyền địa phương là hai chủ thể đương nhiên được nhận thông báo ngay. Tuy nhiên, trong thực tế cơ quan tiến hành tố tụng chưa tuân thủ triệt để quy định này khiến người thân của người bị bắt lo lắng, đôi lúc dẫn đến sự việc đáng tiếc mà lý ra không nên có.

Quan tâm đến gia đình người bị bắt

BLTTHS đã quy định khi bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền địa phương và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Bắt tại nơi làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến; tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương nơi tiến hành bắt người.

Việc bắt người để tạm giam hoặc trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã thì người ra lệnh bắt, cơ quan điều tra nhận người bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền địa phương hoặc cơ quan tổ chức nơi người đó cư trú hoặc nơi làm việc biết...

Đừng để thân nhân người bị bắt lo lắng ảnh 1

Luật còn quy định khi người bị tạm giam có con chưa thành niên dưới 14 tuổi hoặc có người thân thích là người tàn tật, già yếu mà không có người chăm sóc thì cơ quan ra quyết định giao những người đó cho người thân thích chăm sóc. Trong trường hợp người bị tạm giam không có người thân thích thì cơ quan ra quyết định giao cho chính quyền sở tại chăm nom. Còn trong trường hợp người bị tạm giam có nhà hoặc tài sản khác mà không có người trông nom, bảo quản thì cơ quan ra lệnh tạm giam phải áp dụng những biện pháp trông nom, bảo quản thích đáng.

Bỏ ngỏ việc tạm giữ

Tuy nhiên, tôi cho rằng BLTTHS có một thiếu sót là không có điều khoản nào quy định cơ quan, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho gia đình, chính quyền địa phương hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giữ làm việc hoặc cư trú biết. Đây cũng là kẽ hở cần được bổ sung, khắc phục. Bởi vì thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ nhiều lần kéo dài đến chín ngày nhưng không thông báo về cho gia đình, địa phương là không ổn.

Trong khi đó, khoản 4 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định: “…theo yêu cầu của người bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc hoặc học tập của họ biết. Trong trường hợp tạm giữ người chưa thành niên vi phạm hành chính vào ban đêm hoặc giữ trên sáu giờ thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho cha mẹ hoặc người giám hộ của họ biết…”. Như vậy điều này chứng tỏ BLTTHS chưa hoàn thiện.

Dù còn thiếu sót, tuy nhiên tôi mong với những quy định pháp luật hiện hành, cơ quan, người tiến hành tố tụng luôn luôn đề cao ý thức thượng tôn pháp luật, làm ngay những việc có lợi cho người bị tạm giữ, tạm giam để gia đình, người thân và những người bị bắt giảm thiểu phần hoang mang lo sợ một khi người thân họ vướng vào tố tụng.

Luật sư  NGUYỄN THANH LƯƠNG, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre

Chưa rõ thời gian thông báo, thông báo bằng cách nào…

Đúng là theo quy định (khoản 4 Điều 88 BLTTHS), cơ quan ra lệnh tạm giam phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình, cho chính quyền địa phương… Thế nhưng hiện chưa có văn bản nào quy định cơ quan ra lệnh tạm giam phải thông báo trong bao nhiêu ngày và nếu không thông báo hoặc thông báo trễ thì bị chế tài gì. Vấn đề này cần phải nghiên cứu, bổ sung.

Theo quy trình hiện nay, khi ra lệnh tạm giam thì hồ sơ phải có hai văn bản thông báo (một cho chính quyền địa phương nơi người bị bắt cư ngụ, một cho gia đình người bị bắt), nếu không thì khi hồ sơ qua VKS cũng sẽ bị trả lại.

Tuy nhiên, ở đây phát sinh vướng mắc là hiện hình thức gửi thông báo cho hai nơi trên đa phần theo đường bưu điện vì chưa có quy định nào bắt buộc khi gửi thông báo thì phải được gia đình ký nhận hay chữ ký xác nhận đã gửi văn bản thông báo của cơ quan điều tra… Do đó, có thể trong quá trình gửi đến gia đình hoặc công an địa phương thì thông báo bị thất lạc nên phía gia đình không biết tình trạng của người thân của mình như thế nào. Đặc biệt ngày nay vẫn còn một số nơi vùng sâu vùng xa, văn bản thông báo nhiều khi chỉ được bưu tá gửi đến xã, thôn rồi thất lạc đâu đó mà không đến tay gia đình. Tôi nghĩ cần có một quy định rõ ràng về quy trình gửi thông báo...

Một điều tra viên Công an TP.HCM

ÁI NHÂN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm