Đừng để dân đơn độc khi đã cầu cứu

Như chúng tôi đã thông tin, do vướng chuyện nợ nần nên gia đình bà Nguyễn Anh Thảo (trú phường 10, quận Gò Vấp, TP.HCM) bị đe dọa. Gia đình bà Thảo nhiều lần cầu cứu công an nhưng từ giữa năm 2013 đến nay gia đình bà liên tục bị người lạ vào nhà hành hung hoặc chặn đường đánh. Từ đó Lý Hưng (con trai bà Thảo) đã phải cầu cứu đến Bộ Công an…

Chiều 26-11, ông Nguyễn Ngọc Trúc - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH Công an quận Gò Vấp cho biết sáng cùng ngày, hai trinh sát đã đưa bà Thảo cùng con đi giám định tỉ lệ thương tật làm cơ sở để khởi tố vụ án.

Theo ông Trúc, bà Thảo có báo cáo sự việc lần đầu tiên lên Công an phường 10, quận Gò Vấp vào ngày 30-10-2014. “Sự việc được báo lên công an phường, sau đó công an phường chuyển lên quận thụ lý. Tuy nhiên, lần này giám định thương tích là 0%. Riêng hai lần con bà Thảo bị đánh, bị đâm vào tháng 8-2013 và tháng 5-2014 không thấy thể hiện trong hồ sơ” - ông Trúc nói.


Bà Nguyễn Anh Thảo sau nhiều lần bị đánh. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Ông Trúc cho hay: “Sau khi nhận được tin báo thì công an phường chuyển hồ sơ về CQĐT Công an quận, từ đó CQĐT lên kế hoạch xác minh. Trong quá trình làm việc, cán bộ điều tra cũng hướng dẫn nếu có tình hình phát sinh, biểu hiện lạ thì phải thông báo với cơ quan công an. Riêng về diễn biến vụ việc thì phải xác định rõ đối tượng, như vậy mới xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật…”.

Về biện pháp để bảo vệ gia đình bà Thảo, ông Trúc cho rằng: “Về việc này có trao đổi với công an phường và các đoàn thể; phải chú ý, quan tâm, nếu có diễn biến thì báo cho CQĐT. Việc này đạo đức xã hội là phải làm rồi chứ không phải là nghiệp vụ nữa”.

ĐBQH NGUYỄN VĂN HIẾN (Bà Rịa-Vũng Tàu):

Như thế thì dân bất an lắm!

Đừng để dân đơn độc khi đã cầu cứu ảnh 2
 
Ở Quốc hội, tôi từng đề cập tới vấn nạn cho vay nặng lãi, rất phổ biến ở các khu dân cư, chợ buôn bán, rồi gần đây lan ra cả các KCN. Nạn nhân đủ cả, từ buôn thúng bán mẹt ngoài chợ đến công nhân KCN, thậm chí cả gái bán dâm. Vay nặng lãi thường câu kết với các băng nhóm, tổ chức đòi nợ thuê. BLHS hiện hành có tội danh cho vay lãi nặng nhưng thực tiễn áp dụng rất ít vụ.

Nạn nhân trong các vụ này, khi bị đe dọa, hành hung thì họ thường kêu cứu công an. Công an có công cụ, sức mạnh trong tay, công việc hằng ngày là theo dõi, kiểm tra, bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự công cộng trên địa bàn. Theo tôi, những việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để đòi nợ đều có dấu hiệu ít nhất của tội cưỡng đoạt tài sản. Công an có nhiều biện pháp nghiệp vụ để ngăn ngừa, theo dõi chứ sao lại để hậu quả xảy ra như vậy?!

Thực tế cho thấy có những việc khi người dân báo tin, kêu cứu thì chưa có gì nghiêm trọng. Nhưng vì chính quyền không vào cuộc, phòng ngừa nên cuối cùng thành án. Như thế thì dân bất an lắm.

ĐBQH TRẦN THỊ DIỆU THÚY, Bí thư Quận ủy Gò Vấp, TP.HCM:

Trách nhiệm lớn nhất là ở chính quyền

Đừng để dân đơn độc khi đã cầu cứu ảnh 3
 
Mấy bữa họp Quốc hội, nghe báo chí phản ánh việc kêu cứu trên Facebook của một gia đình ở Gò Vấp bị hành hung vì nợ nần, tôi đã điện thoại về hỏi tình hình. Phía công an cho biết là mấy lần gia đình đó lên báo thì công an đã tiến hành quy trình tiếp nhận. Công an đã xác minh thì thấy có người đứng sau các vụ đe dọa, hành hung ấy nhưng không ra mặt. Sự việc bắt nguồn từ vay nợ, rồi một bên thuê nhóm khác bên ngoài vào đòi nợ. Như thế, ở đây có vấn đề quản lý doanh nghiệp đòi nợ thuê sao cho chặt chẽ.

Tôi cũng đang yêu cầu kiểm tra lại xem quy trình tiếp nhận tin báo, đơn kêu cứu của dân thế nào. Nhất là khi vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật như vậy, dân đã báo nhiều lần thì các cấp chính quyền phải tiến hành ngay điều tra, xác minh, rồi có phương án bảo vệ người ta. Công an phường, nơi mà người dân có việc là kêu nhờ thì ngoài trách nhiệm thụ lý đơn, tin báo, cũng cần khẩn trương xác minh. Dù chưa đến mức xử lý hình sự mà thấy sai phạm thì phải có phương án can thiệp như gọi các bên lên hòa giải. Còn để xảy ra hậu quả thế này thì trách nhiệm lớn nhất là ở chính quyền. Chúng tôi sẽ kiểm tra, xem xét, làm rõ.

N.NHÂN ghi

DÒNG SỰ KIỆN

- Theo lời bà Thảo, vụ việc bắt đầu vào khoảng tháng 8-2013. Hôm đó, Lý Hưng chở em gái Lý Minh Thư (14 tuổi) đến trường thì bị hai thanh niên đeo khẩu trang dùng dao đâm vào lưng. Bà Thảo đã báo với Công an phường 10, Gò Vấp.

- Tháng 5-2014, hai thanh niên đến nhà bà Thảo đe dọa: “Mày mà không trả tiền thì gia đình mày ra đường không yên đâu”. Ít ngày sau, khi Hưng đang đi trên đường Quang Trung (phường 10) thì bị một thanh niên bịt khẩu trang dùng gậy có đinh sắt đánh tới tấp. Bà Thảo lại đưa con lên Công an phường 10 báo.

- Ngày 30-10 và 3-11-2014, hai con của bà Thảo lại bị đánh. Bà Thảo lại tiếp tục kêu cứu với Công an phường 10 (quận Gò Vấp) và Công an phường 5 (quận Phú Nhuận).

- Ngày 26-1-2015, bà Thảo tiếp tục bị hành hung, phải nhập viện. Băng xong vết thương thì bà quay về báo với Công an phường 1 (quận Gò Vấp).

- Quá lo sợ, ngày 27-1, bà Thảo cùng chồng đã viết đơn kêu cứu và lên trực tiếp gặp Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an TP.HCM để trình báo.

- Đến tháng 5-2015 mới nhận được thông tin đi giám định. Kết quả giám định thương tích là 0% nên ngày 6-5 công an có quyết định không khởi tố.

- Sáng 26-5, khi bà Thảo nhận được trả lời về việc không khởi tố thì vào trưa cùng ngày, cho chồng bà Thảo bị đánh ở quận Bình Tân.

- Ngày 26-5, bà Thảo gửi đơn cho công an các quận Gò Vấp, Bình Tân, Phú Nhuận nhờ hỗ trợ tìm ra hung thủ…

- Ngày 10-11, Hưng lại tiếp tục bị đánh khi đang trên đường đến trường (phường 1, quận Gò Vấp). Bà Thảo lại đưa con đến công an phường, công an quận để báo. “Lúc đó tôi gặp và trình báo với anh Nguyễn Anh Tuấn, Đội phó Đội Điều tra hình sự, tôi nói đây là lần thứ tám gia đình bị hành hung” - bà Thảo kể.

- Đến ngày 19-11, bà Thảo lại bị đánh ngất xỉu, bị thương nặng và được báo chí phản ánh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm