Đừng chờ báo cáo!

Có nơi người đứng đầu sốt sắng yêu cầu những người có liên quan báo cáo, giải trình, thậm chí đến tận nơi để kiểm tra, xử lý và trả lời báo giới. Nhưng không ít trường hợp các cơ quan chức năng hoặc người đứng đầu các cơ quan đó thờ ơ, coi sự việc báo chí như chuyện của ai, “trốn” báo chí hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới hoặc trả lời rằng: “Chưa thấy báo cáo” hoặc “Chưa nhận được báo cáo”!

Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều sự việc báo nêu, ngay lập tức người đứng đầu cơ quan, tổ chức yêu cầu giải trình, báo cáo và giải quyết đến nơi đến chốn, với tinh thần trách nhiệm cao. Cách đây không lâu khi các cơ quan thông tin đưa tin về các cháu vùng cao bị đói, Thủ tướng Chính phủ lập tức chỉ đạo các cơ quan, ban ngành vào cuộc và kết quả là các cháu vùng cao được cứu đói; một công dân ở TP.HCM khiếu kiện nhiều năm, chẳng có cơ quan nào giải quyết, chỉ đến khi bí thư thành ủy về tận nơi tiếp thì sự việc được giải quyết ngay; vụ án Tân Hoàng Phát khi báo chí nêu việc xét xử của tòa án cấp phúc thẩm không bình thường, gây ra sự bất bình cho xã hội, lãnh đạo TAND Tối cao lập tức yêu cầu chủ tọa phiên tòa khẩn trương hoàn thành bản án, viết tường trình... Kết quả là bản án phúc thẩm bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm.

Việc chính quyền các cấp ở Hà Nội chậm giải quyết những bức xúc của bà con khu di tích Đường Lâm, khi báo chí vào cuộc thì bí thư thành ủy về tận nơi xin lỗi người dân. Gần đây, khi báo chí nêu việc bắt giữ hai tấn bạch tuộc, bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu giám đốc Công an tỉnh Hải Dương báo cáo vụ việc ngay. Kết quả là lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương phải vào tận TP.HCM để xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho các chủ hàng… Nếu trường hợp nào cũng được cơ quan, tổ chức quan tâm giải quyết như các trường hợp vừa nêu thì dân được nhờ.

Những việc cụ thể trên thể hiện thái độ có trách nhiệm của người đứng đầu nhưng cũng đặt ra vấn đề là tại sao các cơ quan chức năng, quản lý không làm tròn phận sự, trách nhiệm của mình để khi người dân bất bình, báo chí vào cuộc lên tiếng, người đứng đầu ra tay thì sự việc mới giải quyết.

Theo quy định của pháp luật, báo chí phải chịu trách nhiệm về thông tin của mình, nếu đưa tin sai, không chính xác thì phải cải chính, xin lỗi, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với cơ quan, cá nhân có liên quan đến sự việc báo chí nêu phải có trách nhiệm kiểm tra, giải quyết và thông báo kết quả cho báo chí. Nhưng trên thực tế những quy định này không được các cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Hằng ngày có nhiều sự kiện báo chí đưa tin, trong đó không ít những sự kiện phản ánh sự tắc trách của cán bộ, viên chức trong bộ máy công quyền. Từ thông tin của báo chí các cơ quan chức năng mới biết ở cơ quan mình, ngành mình, địa phương mình có sự việc báo nêu. Tuy nhiên, trừ một số trường hợp gây bức xúc cho người dân hoặc những chuyện “tày đình” người có trách nhiệm mới quan tâm giải quyết, còn thì đều có thái độ dửng dưng! Nếu nhà báo đến tìm hiểu sự việc thì thường nhận được câu trả lời: Chưa thấy báo cáo hoặc chưa nhận được báo cáo.

Chủ động xử lý các thông tin mà báo chí nêu không chỉ thể hiện thái độ có trách nhiệm mà nó còn thể hiện thái độ thượng tôn pháp luật đã được quy định trong các văn bản pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức. Vì thế, đừng thụ động xử lý hoặc lẩn tránh báo chí, lẩn tránh quyền được thông tin của người dân với câu nói: Chưa thấy báo cáo, chưa nhận báo cáo.

Đinh Văn Quế

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

(PLO)- Đội bắt chó thả rông của UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM tiếp tục ra quân bắt giữ chó thả rông, không rọ mõm, xử phạt thêm nhiều trường hợp chủ nuôi vi phạm.

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.