Dự báo ngành nghề thu hút nhân lực năm 2013

Thông qua chia sẻ của anh Trọng về xu hướng tuyển dụng và bí quyết săn việc dành cho các bạn sinh viên, VietnamWorks mong muốn đồng hành cùng các bạn trẻ trong việc định hướng nghề nghiệp cũng như mang đến cho các bạn sự chuẩn bị tốt hơn khi bước chân vào môi trường làm việc chuyên nghiệp.
 
PV:  Thưa anh, năm 2013 được giới kinh doanh nói chung kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn năm cũ. Theo anh thì nhu cầu tuyển dụng mới trong năm 2013 này sẽ tập trung vào những ngành nghề nào là chủ yếu?
Anh Tăng Trị Trọng: Dựa vào chỉ số thị trường nhân lực trực tuyến của VietnamWorks năm 2012 và những phán đoán về tình hình kinh tế năm 2013, nhu cầu tuyển dụng trong năm nay sẽ tập trung vào những ngành nghề sau:
1.Hành chánh/Thư ký: Trong bất kỳ công ty nào, công việc hành chánh và hậu cần luôn cần thiết để đảm bảo cho hoạt động hàng ngày của công ty diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. Đây là ngành nghề luôn có nhu cầu tuyển dụng cao và tỉ lệ cạnh tranh cũng khá cao vì công việc này phù hợp với đa số các bạn trẻ mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm chuyên môn.

2.Kế toán/Tài chính: Đây là một công việc không thể thiếu trong bất kỳ tổ chức nào. Chuyên viên kế toán tài chính nắm vai trò quan trọng trong việc cân đối chi tiêu và tính toán lợi nhuận cho công ty, chịu áp lực cao về sự chính xác cũng như đòi hỏi cao về trình độ chuyên môn và bằng cấp. Nhưng cũng chính vì vậy mà đây là ngành nghề tương đối ổn định và đem lại nhiều cơ hội thăng tiến cho người tìm việc.

3.Chuyên viên công nghệ thông tin: Tài năng trong lãnh vực công nghệ thông tin và phát triển phần mềm trong suốt mấy năm qua luôn được các công ty nước ngoài săn đón vì theo nhận xét của họ thì khả năng lập trình của kỹ sư Việt Nam khá tốt, làm việc cần cù, và chịu khó học hỏi. Ngoài ra sự phát triển không ngừng của CNTT ở Việt Nam trong thời gian gần đây như thanh toán điện tử, thị trường điện thoại di động, dịch vụ internet không dây, dẫn đến việc tăng trưởng không ngừng về nhu cầu nhân lực trong ngành nghề này.

Ngoài 3 ngành nghề nêu trên thì bước vào một năm 2013 đầy thử thách, 3 ngành nghề dưới đây cũng luôn có nhu cầu tuyển dụng cao, và có mức độ cạnh tranh càng cao hơn trong năm nay:

4.Chuyên viên marketing: Họ là những người gia tăng mức độ nhận biết thương hiệu và  mang lại nguồn khách hàng tiềm năng cho công ty.

5.Nhân viên tư vấn bán hàng: Càng khó khăn công ty lại càng cần những nhân viên tư vấn bán hàng giỏi vì họ chính là những người cung cấp giải pháp để giúp khách hàng đạt được mục tiêu đề ra thông qua việc tận hưởng quyền lợi và giá trị mà sản phẩm/dịch vụ mang lại.

6.Nhân viên chăm sóc và phục vụ khách hàng: Họ cùng với nhân viên tư vấn bán hàng sẽ giúp công ty xây dựng một đội ngũ những khách hàng hâm mộ - là những KH không chỉ yêu thích sản phẩm, cung cách phục vụ mà còn giúp công ty truyền miệng và quảng bá giới thiệu cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp về sản phẩm/dịch vụ của mình.
Anh Tăng Trị Trọng - Giám Đốc Kinh Doanh Toàn Quốc của VietnamWorks
 
PV:  Nhiều bạn sinh viên ra trường vẫn thường truyền tai nhau câu chuyện: nhiều doanh nghiệp khát nhân lực sẵn sàng bỏ ra một khoản chi phí để đào tạo lại những lao động mà chỉ đáp ứng khoảng 60-70% yêu cầu tuyển dụng đầu vào, miễn là những lao động này có tinh thần học hỏi cao. Trong bối cảnh hiện tại thì đó có phải là sự thực?

Anh Tăng Trị Trọng:  Nhìn chung khi tuyển chọn, ai cũng muốn tuyển được ứng viên thỏa điều kiện 100% đầu vào, nhưng nếu vì lý do nào đó mà ứng viên chỉ đáp ứng được 60-70% điều kiện đầu vào thì “tinh thần học hỏi cao” chính là yếu tố quyết định để phân biệt giữa ứng viên này với các ứng viên khác. Điều này cũng dễ hiểu vì người có “tinh thần học hỏi cao” sẽ học hỏi nhanh chóng để bổ sung những điều mà mình còn khiếm khuyết.
Còn người có tài năng nhưng lại tự mãn, tự cho mình biết mọi thứ ko cần phải học họi thì không sớm thì muộn cũng sẽ bị qua mặt bởi những người có khả năng trung bình nhưng lại có tinh thần học hỏi cao. Và có một nguyên tắc tôi nghiệm thấy rất đúng trong công việc và cuộc sống, đó là nguyên tắc 2A’s (Attitude vs Aptitude) tôi muốn chia sẻ với các bạn, được phát biểu như sau: Sự thành công của một con người trong công việc và cuộc sống phụ thuộc vào 80% là thái độ (Attitude) và 20 % là khả năng (Aptitude). Mà thái độ thì bắt đầu bằng chính suy nghĩ và suy nghĩ sẽ quyết định số phận của một con người (Gieo một suy nghĩ – gặt một hành động – Gieo một hành động – Gặt một thói quen – Gieo một thói quen  - Gặt một tính cách – Gieo một tính cách – Gặt một số phận) 
 
PV:  Anh có lời khuyên nào dành cho các ứng viên khi tham dự phỏng vấn?
Anh Tăng Trị Trọng:  Tôi nhận thấy các bạn trẻ bây giờ rất giỏi. Tuy nhiên rất nhiều bạn mắc lỗi không đi phỏng vấn đúng giờ. Khi đi phỏng vấn, bạn nên đến sớm để dành thời gian vào phòng vệ sinh chỉnh trang lại đầu tóc và trang phục. Đồng thời, bạn nên quan sát môi trường làm việc của công ty và phong cách làm việc của mọi người để thu thập thêm thông tin và hiểu rõ hơn về công ty mà mình đang ứng tuyển.

Ngoài ra, để hiểu rõ hơn về công ty bạn ứng tuyển, hãy nghiên cứu về nhà tuyển dụng (NTD) trước khi bạn đi dự phỏng vấn. Nên biết rõ NTD là ai, những thử thách mà họ đang đối mặt và tình hình hiện tại của họ. Những kiến thức bạn thu thập được sẽ giúp bạn trả lời một trong những câu hỏi quan trọng nhất của NTD, đó là “Bạn biết gì về công ty của chúng tôi?”  Đây là cơ hội để bạn chứng tỏ rằng không những bạn biết rất nhiều thông tin về NTD mà bạn còn có thể nêu ra vài lý do tại sao bạn rất muốn làm việc cho họ. Hãy để sự nhiệt tình này thể hiện qua thái độ và lời nói của bạn một cách tự nhiên như bạn đang đi qua cánh cửa vào nhà mình vậy. Bên cạnh đó, bạn nên chuẩn bị một số câu hỏi dành cho NTD khi họ hỏi ngược lại bạn vào cuối buổi phỏng vấn “Anh/Chị còn câu hỏi nào nữa không?”  Đừng nghĩ đơn giản rằng đây là dịp để bạn tìm hiểu thêm về công việc. NTD đang tìm cách đánh giá tinh thần học hỏi và sự sắc sảo của bạn đấy.
Theo Vietnamworks

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm