Đòi Vedan bồi thường thiệt hại: Nhiều nông dân không kiện được vì vướng luật

Về nguyên tắc, khi gây ô nhiễm môi trường, xâm phạm đến tài sản của người khác mà gây thiệt hại, Công ty Vedan phải bồi thường. Nhưng ai được quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường, thủ tục khởi kiện thế nào?

Nông dân phải tự đi kiện

Ngày 10-10, UBND tỉnh Đồng Nai ra văn bản chỉ đạo UBND hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch kiểm tra mức độ thiệt hại của các hộ dân liên quan để giúp họ khởi kiện Vedan. Đến ngày 28-10, UBND tỉnh ra thông báo hủy bỏ chỉ đạo này, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng hướng dẫn, trả lại đơn để người dân viết đơn riêng gửi trực tiếp đến Vedan yêu cầu bồi thường. Trường hợp không thỏa thuận được việc bồi thường, các hộ dân có thể gửi đơn đến TAND địa phương để được xem xét, giải quyết.

Sở dĩ có việc “nói đi nói lại” này là do chỉ đạo trước đó của UBND tỉnh không đúng quy định của pháp luật nên việc hủy bỏ là cần thiết. Theo đúng nguyên tắc, ai có quyền lợi bị xâm hại thì chính người đó mới có quyền khởi kiện. Việc cơ quan nhà nước đứng ra “kiện giùm” là bất bình thường và sai luật.

Hội Nông dân là một tổ chức đoàn thể nên chỉ có thể cùng hợp tác để giải quyết quyền lợi chung cho hội viên của mình chứ không đương nhiên có quyền đứng ra khởi kiện thay cho hội viên. Từng nông dân có thể ủy quyền cho Hội thay mặt họ đi kiện nhưng ngặt nỗi Hội Nông dân lại không rành rẽ các thủ tục pháp lý. Như vậy, trong quá trình đòi Vedan bồi thường, người dân vẫn phải tự lực cánh sinh là chính.

Một số trường hợp hết thời hiệu khởi kiện

Sau khi Vedan bị phát hiện gây ô nhiễm, tám nông dân có gửi tám hồ sơ đến Chương trình trợ giúp pháp lý miễn phí của Báo Pháp Luật TP.HCM để nhờ trợ giúp thủ tục khởi kiện Vedan. Tổ luật sư của chương trình đã nhóm họp và quyết định trả lại đơn cho tám nông dân trên với lý do “thời hiệu khởi kiện đã hết”.

Luật sư Lâm Trí Quang cho biết tám đơn này chủ yếu đòi bồi thường việc mất thu nhập do không đánh bắt được cá, tôm trên sông. Các hộ cũng đòi bồi thường những phương tiện đánh bắt bị bỏ không dẫn đến hư hỏng. “Khi nghiên cứu những bộ hồ sơ này, chúng tôi nhận thấy các hộ ở xã Phước Thái (huyện Long Thành) đã chấm dứt hành nghề từ năm 1999. Như vậy, nếu cho rằng đã bị Vedan gây thiệt hại vào thời điểm này, các hộ phải khởi kiện trong thời hạn luật định. Cụ thể, theo khoản 6 Điều I Nghị quyết 03 ngày 8-7-2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, đối với những trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trước ngày 1-1-2005, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm kể từ ngày 1-1-2005. Như vậy, các hộ chỉ có quyền khởi kiện đến ngày 1-1-2007. Đến nay, do đã quá hạn nên các hộ không còn quyền khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại liên quan đến việc đánh bắt tôm cá trên sông. Riêng đối với những thiệt hại về vấn đề khác do Vedan gây ra (nếu có), chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục xem xét, hỗ trợ khi có yêu cầu của nông dân” - luật sư Quang khẳng định.

THANH LƯU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm