"Đinh tặc" có thể bị phạt tiền đến 100 triệu

Bài “Vụ “đinh tặc” bị bắt quả tang ở Bình Dương: Chưa có hậu quả, khó xử lý” (Pháp Luật TP.HCM ngày 15-2) phản ánh “đinh tặc” Nguyễn Thế Công dù bị bắt quả tang đang rải đinh nhưng cơ quan pháp luật địa phương không xử lý hình sự do chưa xác định được thiệt hại. Vậy có thể phạt hành chính Công hay không? Nhiều luật sư khẳng định “được” và phân tích hai cách xử phạt khác nhau trong trường hợp có thiệt hại và không có thiệt hại.

Có thiệt hại: Phạt 2-5 triệu đồng

Mục đích của kẻ rải đinh là nhằm làm hư xe để “chặt chém” nạn nhân. Nếu hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác này gây thiệt hại dưới 2 triệu đồng thì có thể bị phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng theo khoản 2a Điều 18 Nghị định số 73 ngày 12-7-2010 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội).

Nếu gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì có thể xử lý hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo khoản 1 Điều 143 BLHS với mức phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm.

"Đinh tặc" có thể bị phạt tiền đến 100 triệu ảnh 1

]Số đinh do đội hút đinh Quận đoàn quận Thủ Đức (TP.HCM) thu gom trên các tuyến đường “đinh tặc” gây vạ. Ảnh: P.ĐIỀN

Trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây thiệt hại dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng có thể bị xử lý hình sự theo quy định nêu trên.

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HÙNG

Không có thiệt hại: Phạt 5-7 triệu đồng

Đúng như phân tích của Kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao Võ Văn Thêm, tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại Điều 143 BLHS có cấu thành vật chất, tức phải có hậu quả xảy ra và thiệt hại này phải được lượng hóa bằng tiền. Do trường hợp vi phạm của “đinh tặc” Công chưa xác định được thiệt hại nên công an huyện không thể khởi tố.

Mặc dù quy định của pháp luật vẫn chưa rõ nhưng trong những trường hợp này, các cơ quan chức năng có thể căn cứ khoản 5b Điều 14 Nghị định 34 ngày 2-4-2010 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) để phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng. Cụ thể, điều khoản này quy định: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với hành vi “ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác trên đường bộ (...) gây nguy hiểm trực tiếp đến người và phương tiện tham gia giao thông. Nếu đó là lần đầu vi phạm thì có thể phạt ở mức thấp nhất là 5 triệu đồng. Trường hợp tái phạm thì có thể phạt nhiều hơn hoặc phạt tối đa là 7 triệu đồng do có tình tiết tăng nặng.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO

Khuyến khích tố giác để dễ xử lý

“Đinh tặc” vốn khó bắt tận tay, vậy mà bắt được lại không thể xử hình sự thì thật là đáng tiếc. Bởi ngoài việc gây tổn thất về vật chất thì “đinh tặc” có thể gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của người đi đường.

Theo tôi, để có thể xử lý triệt để “đinh tặc”, chính quyền nên vận động, khuyến khích người dân tố giác vi phạm. Sau khi xác định được điểm nóng, địa phương cần theo dõi để khi cần thì xử phạt hành chính ngay và sau đó là xử lý hình sự. Phải quyết liệt, cùng nhau góp sức thì nạn “đinh tặc” mới giảm dần và chấm dứt.

Luật sư TÔ NGỌC MINH TUẤN

"Đinh tặc" có thể bị phạt tiền đến 100 triệu ảnh 2

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm