Dinh dưỡng cho công nhân thời khốn khó

Các chuyên gia về dinh dưỡng đã tư vấn với mức thu nhập hiện tại, công nhân vẫn có thể tổ chức bữa ăn hợp lý, có đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe và không bị mệt mỏi…

Làm sao biết thiếu chất dinh dưỡng?

Mới đây, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM đã tổ chức chương trình truyền thông về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý cho thanh niên công nhân. Tại Khu chế xuất Linh Trung I, các công nhân bày tỏ do thu nhập thấp nên họ không thể mua các thực phẩm tươi sống, giàu chất dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe, vậy làm thế nào để biết cơ thể thiếu chất dinh dưỡng. Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho hay: “Biểu hiện đầu tiên là bị sụt cân, cơ thể gầy ốm, xanh xao, mệt mỏi, da khô, rụng tóc, móng tay sần sùi… Do vậy, để tái tạo sức khỏe, mỗi bữa ăn cần có đủ bốn nhóm thực phẩm là chất bột đường, đạm, chất béo, rau củ và trái cây. Tuy nhiên, với công nhân túi tiền còn “mỏng” không đủ để ăn bún, phở thì có thể thay thế bằng ổ bánh mì, mì gói hoặc trái cây…

Bác sĩ Thủy khuyên các công nhân không nên bỏ bữa. “Với công nhân một ngày làm việc kéo dài trong nhà xưởng, nếu không có điều kiện để ăn thịt, cá trong bữa sáng thì có thể thay thế bằng khoai lang, bắp hoặc xôi cũng có đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể” - bác sĩ Thủy nhấn mạnh.

Dinh dưỡng cho công nhân thời khốn khó ảnh 1

Với thu nhập hiện tại, công nhân cần biết lựa chọn những thực phẩm đủ dinh dưỡng mà rẻ tiền cho các bữa ăn. Ảnh: HTD

Chị Hằng, công nhân Công ty Freetrend, hỏi việc thường ăn mì tôm và trứng thì có bị ảnh hưởng gì không. Bác sĩ Thủy cho biết ăn nhiều mì tôm và trứng thường xuyên cơ thể sẽ không đủ chất mà cần phải bổ sung thêm rau, đậu hủ, trứng…

Cạnh đó, các bác sĩ dinh dưỡng cũng đưa ra lời khuyên cho các công nhân trong bữa ăn nên dùng muối iốt và chất sắt. Đặc biệt, đối với nữ công nhân mang thai nếu thiếu muối iốt dễ bị sẩy thai, sinh non, làm việc mệt mỏi. Còn thiếu chất sắt sẽ gây thiếu máu, do vậy cần bổ sung các loại thực phẩm thịt, cá, gan, huyết…

Bữa ăn hợp lý

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, chia sẻ: “Với thu nhập hiện tại của công nhân, các bạn vẫn tổ chức được bữa ăn với đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng cái chính là phải biết được dinh dưỡng trong các thực phẩm để lựa chọn”.

Theo bác sĩ Diệp, xây dựng thực đơn phù hợp không phải không thực hiện được nếu có kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm và chút khéo léo khi đi chợ. Theo đó, mỗi ngày cần ăn ba bữa và nên thường xuyên thay đổi món ăn nhằm cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể vì không một loại thực phẩm nào có thể cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể.

Cũng theo bác sĩ Diệp, ăn uống điều độ, không bỏ ăn sáng, không ăn quá no vào buổi tối, không ăn quá khuya để phòng ngừa béo phì. Nếu không ăn sáng, đường máu thấp khiến các anh chị em công nhân bị mệt mỏi, khó tập trung, khả năng hoạt động thể lực giảm, năng xuất lao động thấp. “Sức khỏe rất quan trọng, do vậy không nên ăn uống phung phí và cũng không nên quá tiết kiệm. Nếu tiết kiệm thì hãy tiết kiệm mua sắm tư trang trước khi tiết kiệm bữa ăn, đặc biệt là bữa ăn sáng” - bác sĩ Diệp đưa ra lời khuyên.

PHONG ĐIỀN

Ông Huỳnh Ngô Tịnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM, cho biết: Theo kế hoạch, trung tâm sẽ thực hiện chương trình truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm và chế độ dinh dưỡng hợp lý cho công nhân tại năm cụm khu chế xuất-khu công nghiệp trên địa bàn TP, kéo dài trong vòng hai tháng (từ tháng 4 đến tháng 5-2010).

Chương trình sẽ thông tin cho công nhân về tầm quan trọng của vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng đối với cơ thể thanh niên công nhân. Các chuyên gia, bác sĩ dinh dưỡng sẽ tư vấn, giải đáp các thắc mắc và đưa ra lời khuyên về thực đơn dinh dưỡng cho công nhân. “Sau khi kết thúc chương trình, chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến trả lời của chuyên gia dinh dưỡng để in các tờ rơi phát cho công nhân. Ngoài ra, trung tâm cũng sẽ xây dựng chương trình rèn luyện sức khỏe, thể dục thể thao dành cho thanh niên công nhân ” - ông Tịnh nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm