Đi bộ nhiều, kẹt xe giảm

Tôi rất tán đồng với các ý kiến bàn về giao thông đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM trong những ngày qua. Ngẫm nghĩ, tôi tự hỏi sao chúng ta không tập thói quen đi bộ để giảm nạn kẹt xe trong thành phố.

Theo quan sát của tôi, khoảng 80% vỉa hè trên các con đường của thành phố không được người đi bộ sử dụng. Có một thực tế rất phổ biến hiện nay, bất kể đoạn đường cần đến xa hay gần, người ta cũng trèo lên xe máy rồi phi ra đường. Hỏi một người bạn vì sao không đi bộ khi khoảng cách di chuyển chỉ có vài trăm mét, anh trả lời rất thật là do… lười biếng và cũng có ý khoe “xế xịn” (!) Một số người khác thì cho là đi bộ sẽ chậm và tốn thời gian, không an toàn…

Nếu lượng người chịu di chuyển bằng cách đi bộ tăng, lượng xe gắn máy tham gia lưu thông sẽ giảm. Cảnh ùn tắc tại các giao lộ, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông vốn đang là nỗi ám ảnh của nhiều người dân thành phố cũng sẽ dần được đẩy lùi.

Đi bộ nhiều, kẹt xe giảm ảnh 1

Đến TP.HCM, nhiều khách nước ngoài vẫn giữ thói quen đi bộ. Ảnh: THÁI HIẾU

Việc đi bộ thường xuyên còn tốt cho sức khỏe, tăng sức đề kháng của cơ thể. Người đi bộ phòng ngừa được nhiều bệnh tật đối với tim mạch, phổi, giảm nguy cơ tai biến mạch máu não, các bệnh mạn tính ở cơ quan tiêu hóa, nguy cơ loãng xương. Người đi bộ thường xuyên còn có tinh thần minh mẫn và sảng khoái hơn, các cơ quan hô hấp, tuần hoàn hoạt động tích cực hơn.

Chính vì những lợi ích như thế, việc hình thành thói quen đi bộ là rất cần thiết. Để tạo điều kiện cho người dân đi bộ, cơ quan chức năng cần xử lý triệt để mọi hình thức chiếm dụng lòng lề đường. Các cửa hàng kinh doanh tuyệt đối không dựng bảng hiệu quảng cáo hay đậu xe cản trở lối đi. Nhiều lề đường, hè phố hiện nay vốn khá rộng rãi nhưng lại bị hàng quán chiếm đóng tạo quang cảnh nhếch nhác, làm mất vẻ mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, nhiều ngõ phố chỉ rộng chừng 2-3 m nhưng vừa làm nhiệm vụ thông thương từ phố này sang phố khác, lại cõng thêm hàng quán chiếm tràn mặt phố làm mất lối đi của khách bộ hành.

Vì sự thông thoáng, an toàn và văn minh cho giao thông đô thị, chúng ta nên tuyên truyền sâu rộng để khuyến khích người dân tập thói quen đi bộ. Dần dà, chúng ta cần có những quy định buộc đi bộ trong một số khu vực nhất định. Giải pháp này đã rất phổ biến ở một số quốc gia nhưng dường như còn hết sức xa lạ ở đất nước có tỉ lệ tai nạn giao thông cao như ở nước ta.

Học cách đi bộ

Chỉ riêng năm 2004, trên địa bàn TP Hà Nội có tới gần 100 người đi bộ chết do tai nạn giao thông. Sở Giao thông Công chính Hà Nội và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã mở lớp dạy người dân những kỹ năng cơ bản để... đi bộ.

Người dân đã được các chuyên gia tận tình hướng dẫn cách thức đi bộ như muốn sang đường thì phải đến ngã tư, đợi đèn đỏ rồi đi đúng lằn ranh dành cho người đi bộ. Hay đơn giản là phải giơ tay xin đường rồi nhẹ nhàng, từ từ chuyển hướng đi, hoặc chịu khó nhìn đường thay vì cứ dàn hàng ngang mà tiến, rồi vừa đi vừa vô tư trò chuyện...

NGUYỄN QUỐC TÚ (50 Thành Thái, quận 10, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm