Đăng ký kết hôn tại nơi thường trú

Người đang tạm trú ở TP.HCM có buộc phải về quê đăng ký kết hôn? Ai cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và giấy này có giá trị trong bao lâu?... Trên số báo này, ông Nguyễn Văn Vũ (ảnh), Trưởng phòng Hộ tịch-Quốc tịch - Sở Tư pháp TP.HCM, giải đáp các thắc mắc của bạn đọc liên quan đến việc đăng ký kết hôn.

Cam đoan tình trạng hôn nhân

. Rất nhiều người có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh khác nhưng lại đang sinh sống, lập nghiệp ở TP.HCM. Khi đăng ký kết hôn, họ có thể liên hệ với UBND cấp xã nơi tạm trú để làm thủ tục hay không?

Đăng ký kết hôn tại nơi thường trú ảnh 1
+ Không. Bởi lẽ thẩm quyền đăng ký hộ tịch (trong đó có việc đăng ký kết hôn) đối với công dân Việt Nam ở trong nước được quy định rõ trong khoản 1 Điều 8 Nghị định số 158 ngày 27-12-2005 của Chính phủ (về đăng ký và quản lý hộ tịch): Việc đăng ký hộ tịch trong trường hợp này được thực hiện tại nơi người đó đăng ký hộ khẩu thường trú.

Như vậy, khi muốn đăng ký kết hôn, đôi nam nữ phải đến UBND cấp xã nơi thường trú của bên nam hoặc bên nữ để thực hiện việc đăng ký kết hôn.

. Do yêu cầu của công việc, một bạn đọc đã sống ở nhiều tỉnh khác nhau. Khi bạn này về nơi đăng ký thường trú để đăng ký kết hôn, UBND xã yêu cầu bạn phải có giấy xác nhận độc thân ở những địa phương từng cư trú. Yêu cầu này đúng hay sai?

+ Theo Thông tư hướng dẫn số 01 ngày 2-6-2008 của Bộ Tư pháp, đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài) mà UBND cấp xã nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan. Đồng thời, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn, UBND xã có thẩm quyền cũng có thể xác minh tình trạng hôn nhân của người đó tại các địa phương khác.

Đăng ký kết hôn tại nơi thường trú ảnh 2

Khi muốn đăng ký kết hôn, đôi nam nữ phải đến UBND cấp xã nơi thường trú của một trong hai bên để thực hiện việc đãng ký. Ảnh minh họa: HTD

Chỉ được sử dụng cho một mục đích

. Ông có thể nói rõ hơn về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân?

+ UBND cấp xã nơi cư trú của người có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân thực hiện việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đó. Trường hợp công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian ở trong nước thì UBND cấp xã nơi người đó cư trú trước khi xuất cảnh thực hiện việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Người yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải nộp tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp người yêu cầu cấp giấy đã có vợ, có chồng nhưng đã ly hôn hoặc người kia đã chết thì phải xuất trình trích lục bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về việc ly hôn hoặc bản sao giấy chứng tử.

. Có trường hợp đã được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nhưng sau đó không làm thủ tục đăng ký kết hôn. Hơn sáu tháng sau, người này muốn kết hôn với người khác. Vậy có phải làm lại giấy xác nhận tình trạng hôn nhân?

+ Việc xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị sáu tháng kể từ ngày xác nhận. Trong trường hợp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã hết hạn, nếu muốn kết hôn thì người dân liên hệ UBND xã nơi đã cấp giấy xác nhận trước đây để yêu cầu xác nhận lại tình trạng hôn nhân và phải nộp lại giấy xác nhận cũ.

. Một bạn đọc cho rằng mình đã bị làm khó khi không thể sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mà trước đó đã dùng vào việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Ý kiến của ông về việc này?

+ Điểm e khoản 2 Mục II Thông tư 01 không cho phép người dân sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã ghi mục đích sử dụng khác để làm thủ tục đăng ký kết hôn và ngược lại, không sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã ghi mục đích làm thủ tục đăng ký kết hôn để sử dụng vào mục đích khác.

Đăng ký lại việc kết hôn

. Trường hợp bị thất lạc bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì có được cấp lại bản chính khác hay không?

+ Được. Việc kết hôn đã được đăng ký nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đã bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được thì được đăng ký lại. Khi đăng ký lại việc kết hôn, các bên đương sự phải có mặt. Quan hệ hôn nhân của người đăng ký lại được công nhận kể từ ngày đã đăng ký kết hôn trước đây.

. Hai bạn đọc đang lao động ở nước ngoài muốn cuối năm về Việt Nam làm đám cưới nhưng họ đã bị cắt hộ khẩu trong nước thì có thể đăng ký kết hôn được không?

+ Theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 158, trường hợp cả hai bên nam, nữ là công dân Việt Nam đang trong thời hạn công tác, học tập, lao động ở nước ngoài về nước đăng ký kết hôn, đã cắt hộ khẩu thường trú ở trong nước thì việc đăng ký kết hôn được thực hiện tại UBND cấp xã nơi cư trú trước khi xuất cảnh của một trong hai bên nam, nữ.

. Bà X kết hôn với người nước ngoài nhưng người này đã về nước hơn ba năm và bà X đã tìm mọi cách để liên lạc nhưng không rõ tung tích. Nay bà ấy có thể kết hôn với người khác được không?

+ Không. Vì hôn nhân của bà X đang tồn tại. Bà này cần liên hệ với TAND cấp tỉnh nơi đang cư trú để xin ly hôn theo quy định. Sau khi bản án ly hôn có hiệu lực pháp luật, bà X có thể đăng ký kết hôn với người khác.

. Xin cảm ơn ông.

KIM PHỤNG - ÁI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm