Cuối năm đình công bắt đầu tăng

Tính đến sáng ngày 17.12 công nhân công ty TNHH Hamlin, quận Thủ Đức, TP.HCM đã đình công sang ngày thứ ba do bức xúc vì chất lượng bữa ăn không được đảm bảo, công ty không công khai đơn giá sản phẩm, mức lương tối thiểu mới. Với hai công ty TNHH Hồng Tiến Phát, khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM và công ty TNHH thương nghiệp Hoà Tổng, Thuận An, Bình Dương thì nguyên nhân lại xuất phát do công nhân bị ép tăng ca quá nhiều.

Công nhân công ty Hồng Tiến Phát phản ánh, họ phải làm việc 12g/ngày và phải làm cả ngày chủ nhật nhưng lại không rõ ràng trong việc tính tăng ca phụ trội. Thời gian cận tết công nhân đình công nhiều do cuối năm, các công ty phải chạy đua để giao sản phẩm cho kịp hợp đồng nên bắt công nhân tăng ca nhiều.

Cũng ngày hôm qua, hơn 750 công nhân của công ty MJ Apparel (100% vốn Hàn Quốc) chuyên sản xuất may mặc tại khu phố 3, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hoà (Đồng Nai) tiếp tục đình công. Theo công nhân, điều họ bức xúc là do công ty chỉ cho phép đi vệ sinh hai lần một ngày. Không những thế, muốn đi vệ sinh, họ phải lấy thẻ tại tổ trưởng và phải chịu sự giám sát của bảo vệ công ty tại khu vực nhà vệ sinh.

Dự báo của nhiều chuyên gia, từ nay đến tết, đình công có thể sẽ diễn ra trên diện rộng khi các công ty bắt đầu công bố thưởng tết. Tại TP.HCM, liên đoàn Lao động thành phố đã có văn bản chỉ đạo liên đoàn Lao động các quận, huyện, công đoàn cơ sở phải tăng cường giám sát việc trả lương, trả thưởng cho người lao động vào dịp tết dương lịch và tết Nguyên đán.

Theo đó, đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, công đoàn cần chủ động bàn với chủ doanh nghiệp khi vận dụng thực hiện công văn mới của tổng cục Thuế về việc hạch toán tháng lương thứ 13 vào chi phí hoặc tạo nguồn để trả lương, thưởng kịp thời.

Theo Hà Dịu (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm