Chuyện xưa chuyện nay: “Hóc Môn” hay “Hốc Môn”?

ANH PHÓ trả lời: Ông Đỗ Chỉn Chía kính mến,

Tôi đã coi kỹ mấy bìa báo Xuân mà ông gửi để làm “chứng cứ” khi nêu câu hỏi với tôi. Thành thật cám ơn ông giúp tôi có thêm tư liệu. Đúng là bìa báo Xuân Nhâm Thân 1992, viết tên Hốc Môn, chữ “Hốc” ô. Thỉnh thoảng tôi thấy cũng có nhiều chỗ khác viết sai như vậy (như viết lộ trình trên các chiếc xe khách, nhãn hiệu hàng hóa v.v…).

Sở dĩ tôi nói viết “Hốc” là sai, vì tôi có sưu khảo các văn bản của nhà nước chế độ cũ và hiện nay khi viết địa danh này, tôi thấy đều ghi “Hóc” (Hóc chữ o). Năm 1956 khi thành lập “quận Hóc Môn”, chính quyền chế độ cũ cũng viết Hóc chữ o, chứ không như ông viết “Trước giải phóng 1975, quận Hốc Môn viết chữ “Hốc” ô”… Chính thức là o nhưng nhiều khi tư nhân viết sai là ô; kể cả báo chí, như bìa tờ báo Xuân Hốc Môn năm Nhâm Thân 1992 mà ông gửi cho tôi đó.

Chuyện xưa chuyện nay: “Hóc Môn” hay “Hốc Môn”? ảnh 1

Nhiều tờ báo Xuân từng gọi “Hóc Môn” là “Hốc Môn”

Tôi dám khẳng định viết o mới đúng, vì dựa theo các quyển từ điển, đều thấy viết “Hóc Môn”. Tự vị tiếng nói miền Nam, học giả Vương Hồng Sển đã viết: “Hóc Môn: tên xứ, trước thuộc huyện Bình Long, nay thuộc tỉnh Gia Định”; hay “Hóc Môn: đd th.Gia Định” (Sđd, NXB Trẻ, TP.HCM, 1999, trang 383). Từ điển địa danh hành chính Nam bộ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cũng xác định: “Hóc Môn là quận thuộc tỉnh Gia Định từ 1-1-1918, quận lỵ tại chợ Hóc Môn” (Sđd, NXB Chính trị Quốc gia, 2008, trang 470).

Theo tài liệu tôi có thì địa danh “Hóc Môn” xuất hiện muộn nhất là từ đầu thể kỷ XIX. Đến năm 1915, Hóc Môn là một trong bốn trạm hành chính của tỉnh Gia Định. Năm 1917 có quyết định đổi là quận Hóc Môn. Từ năm 1976 gọi là huyện Hóc Môn. Ngày 6-1-1997, bảy xã của Hóc Môn được tách ra để thành lập quận 12.

“Có người giải thích: “hóc” là chỗ xa xôi, vắng vẻ; “môn” là cây môn nước. Như vậy, ban đầu Hóc Môn chỉ vùng đất xa xôi, vắng vẻ, nơi trồng nhiều cây môn nước, sau đó trở thành địa danh hành chính: huyện Hóc Môn... Cách giải thích khác: “Môn” đúng là cây môn nước, vì ở TP.HCM có nhiều địa danh mang yếu tố này: “rạch Môn” (Thủ Đức); cầu và rạch “Bàu Môn”, xóm “Bưng Môn” (Củ Chi)... Còn “hóc” đồng nghĩa với từ xép, có nghĩa là “dòng nước nhỏ”. Ở thị trấn Hóc Môn còn con rạch nhỏ mang tên “Hóc Môn”. Rất nhiều khả năng tên rạch Hóc Môn có trước tên vùng Hóc Môn vì tên sông, rạch là những địa danh rất cổ. Tóm lại, tên gọi “Hóc Môn” để chỉ vùng có con rạch nhỏ với nhiều cây môn” (Hỏi đáp về Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh, nhiều tác giả, Tập 1, NXB Trẻ, 2006, trang 66).

Vậy tôi cung cấp tư liệu trên để ông tiện tham khảo và tin chắc rằng viết “Hóc Môn” mới đúng.

Kính chào ông.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 1-2011)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm