Chưa thể công nhận quyền được chết

Vừa qua, Bộ Y tế đưa ra đề xuất công nhận quyền được chết là một quyền nhân thân của công dân Việt Nam. Nhưng theo tôi, thời điểm này Việt Nam chưa thể công nhận quyền nêu trên.

Không đủ cơ sở pháp lý

Thứ nhất, cùng với quyền sống, quyền được chết gắn liền với sự sinh tồn, số phận của một đời người. Quyền này nếu muốn hợp pháp hóa phải được công nhận từ gốc của hệ thống pháp luật - đó là Hiến pháp. Việc cụ thể hóa các quyền nhân thân trong BLDS phải dựa trên khuôn khổ của Hiến pháp. Trong khi đó, Hiến pháp 2013 vừa ban hành không có bất kỳ quy định nào đề cập đến quyền được chết hay liên quan đến quyền được chết. Vậy nên đề xuất công nhận quyền này trong BLDS là không có cơ sở pháp lý vững chắc.

Thứ hai, quyền được chết không giống bản chất như những loại quyền nhân thân khác. Với quyền được chết, chúng ta không có quyền và không có cơ hội để thử nghiệm. Cho nên muốn hợp pháp hóa cần phải có sự tính toán một cách chi tiết, chặt chẽ và không cho cơ hội cho những sai sót xảy ra. Thực tế, dường như chúng ta chưa thể đạt đến trình độ này. Từ đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hoài nghi về tính khả thi của đề xuất này.

Qua nghiên cứu, tôi thấy đề xuất về quyền được chết không phải là lần đầu, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thấy một công trình nghiên cứu, điều tra xã hội học mang tính chính thống về vấn đề này. Có bao nhiêu người Việt đang có nhu cầu được hưởng quyền này? Bất cập do không công nhận quyền này như thế nào? Cơ sở tâm lý xã hội của đông đảo người dân và đội ngũ y, bác sĩ liên quan ra sao? Cần có những công bố chính thức và chính xác để chứng minh cho nhu cầu thực tiễn của đề xuất.

Các bác sĩ đang mổ nội soi, giành giật sự sống cho một bệnh nhân. Ảnh: DUY TÍNH

Có thể gây hậu quả nghiêm trọng

Nhìn rộng ra thế giới, chúng ta cũng thấy rõ trong số hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ chỉ vỏn vẹn vài quốc gia và một số bang của Mỹ chính thức công nhận quyền được chết. Đặc biệt, Việt Nam và những quốc gia công nhận quyền này khó tìm được nhiều điểm tương đồng về mọi mặt, từ trình độ phát triển kinh tế, nhận thức xã hội, nền tảng pháp luật hay y đức của đội ngũ thầy thuốc. Có quá nhiều sự khác biệt mang khoảng cách xa vời, Việt Nam khó có thể học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia này. Dẫn đến cơ sở thực tiễn và bài học kinh nghiệm của các quốc gia thiếu và yếu.

Thực tế cũng đã cho thấy việc chấp nhận quyền này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Biểu hiện rõ nét nhất cho luận cứ này là cuộc “khủng hoảng chính trị” trầm trọng giữa các thiết chế mang quyền lực nhà nước và đức tin tôn giáo đã diễn ra tại Ý vào năm 2009. Cuộc khủng hoảng xuất phát từ một phán quyết của tòa án tối cao Ý đã ra phán quyết cho phép trợ tử đối với Eluana - một cô gái bị tai nạn và rơi vào hôn mê sâu trong suốt 17 năm - theo yêu cầu của người cha tội nghiệp của cô. Ngay lập tức, một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ tòa thánh Vatican, khơi nguồn cho những tranh cãi pháp lý gay gắt và sự đối đầu về chính trị, pháp lý giữa thủ tướng và tổng thống Ý lúc bấy giờ. Các nhà quan sát chính trị cho rằng những diễn biến như thế thì bi kịch của Eluana đã không còn là một bi kịch trong phạm trù đạo đức và tôn giáo mà nó đã chuyển sang thành một cái cớ cho một cuộc xung đột giữa các quyền lực nhà nước và chính trị chưa từng thấy ở Ý. Với thực tiễn điển hình này cho ta thấy rõ mức độ tác động mạnh mẽ của quyền được chết trong đời sống xã hội, pháp lý và thậm chí là chính trị. Vì đơn giản quyền được chết chứa trong nó sự giao thoa của nhiều phạm trù phức tạp.

Chúng ta đang trong một “trận chiến” giành giật giữa cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác, giữa lợi lộc và nhân cách. Việc chấp nhận quyền được chết trong bối cảnh xã hội hiện nay là một sự mạo hiểm. Nếu pháp luật không đủ chặt chẽ, không đủ mạnh mẽ thì pháp luật sẽ trở thành một “công cụ giết người” mang tính hợp pháp.

“Quyền được hy vọng”

Trên thế giới, “quyền được chết” vẫn là cuộc tranh luận chưa có hồi kết. Tuy nhiên, từ năm 2014, tại Mỹ, một giải pháp thay thế “quyền được chết” (gọi là đạo luật “Quyền được hy vọng”). Đạo luật “Quyền được hy vọng” của Illinois và các tiểu bang khác khẳng định các bệnh nhân mắc chứng nan y có quyền tiếp cận các loại thuốc, sản phẩm sinh học, các phương án trị bệnh vẫn còn trong quá trình kiểm định nhằm nỗ lực bảo vệ mạng sống của chính mình.

Hiện chỉ có rất ít quốc gia cho phép thực hiện cái chết nhân đạo gồm Hà Lan, bốn bang của Mỹ, Bỉ, vài bang của Thụy Sĩ, Luxembourg... Ở những nơi này, khi bệnh nhân tỉnh táo, đủ năng lực hành vi dân sự, đủ khả năng nhận thức hành vi của mình, đủ 18 tuổi thì có quyền lựa chọn cái chết nhân đạo bằng chúc thư hoặc yêu cầu bác sĩ chứng nhận. Với trường hợp sống thực vật, quyền lựa chọn thuộc về gia đình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm