Chỗ trú mưa không giải quyết được kẹt xe

Vào những lúc mưa, người dân đi xe máy thường đứng trú mưa ngay lòng đường, dưới dạ cầu thép, gây cản trở các xe khác lưu thông, dần gây ùn tắc giao thông cho khu vực, đặc biệt là lúc mưa vào cao điểm buổi chiều. Ở cầu vượt bằng thép tại ngã tư Hàng Xanh cũng vậy. Do vậy, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 đề xuất cải tạo phần diện tích dưới gầm cầu vượt này thành chỗ trú mưa, dài 12 m và bề ngang bằng bề ngang cầu vượt.

Có hai đoạn có thể cải tạo (hai bên chân cầu vượt). Một đoạn nằm phía phường 22, 25, quận Bình Thạnh (chân cầu vượt gần về phía cầu Văn Thánh). Một đoạn nằm phía phường 15, 17 quận Bình Thạnh (chân cầu vượt gần về phía cầu Điện Biên Phủ).

Trước đề xuất này, Pháp Luật TP.HCMnhận được nhiều ý kiến trái chiều.

PGS-TS NGUYỄN MINH HÒA:

Đừng tạo ý thức vĩnh viễn

Trời mưa, người ta trú mưa ngay trên lòng đường, đấy là người ta cũng tự ý thức là trú tạm. Cái ý thức đấy nó chỉ tạm thôi. Còn nếu ta xây hẳn một chỗ trú mưa, người ta lại được khuyến khích đứng lại để trú mưa, đứng càng lâu càng tốt, phải có chỗ trú mưa, được phép trú mưa tại đây... thì đấy là ý thức vĩnh viễn.

Mà không có nước nào làm kiểu như thế cả! Ta cũng không nên làm. Nên tuyên truyền, vận động sao cho người dân hiểu được rằng trú mưa là quyền của họ, trú thế nào, ở đâu là tùy sự lựa chọn của họ nhưng không được vi phạm pháp luật và không được cản trở quyền lưu thông của người khác.

Nên tìm giải pháp khác để chống kẹt xe.

Phần gầm cầu vượt phía gần về cầu Văn Thánh dự kiến cải tạo thành chỗ trú mưa. Ảnh: Q.Như

Hàng trăm người đi xe máy tập trung dưới gầm cầu vượt ngã tư Hàng Xanh trú mưa. Ảnh: VTC

Ông NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch đô thị:

Không phục vụ lợi ích riêng

Đề xuất xây chỗ trú mưa không hợp lý là vì trú mưa là lợi ích riêng của cá nhân, còn ngân sách là tiền chung. Mặt khác, quan trọng hơn, không nên khuyến khích việc dừng xe tại điểm giao thông chính. Có những nơi dừng đậu được, có những nơi không được, ví dụ ngã tư, giao lộ là nơi giao thông trọng yếu, không cho dừng đậu và không nên khuyến khích. Đâu thể đến một ngã tư, có cái cây, thế là ta đứng lại trú nắng, trú mưa ngay ngã tư được. Ta phải tìm chỗ thích hợp. Ở đây cũng vậy, gặp mưa thì ta ráng thêm chút nữa, qua khỏi cầu vượt, qua khỏi vòng xoay này, ta tìm chỗ thích hợp để dừng. Nếu không có chỗ thích hợp thì ta chịu mưa thôi, tôi thấy bao nhiêu năm nay người ta vẫn đội mưa mà đi, đang chạy xe ở những nơi khác mà gặp mưa thì vẫn đội mưa đi mà, sao nay có cầu vượt thì lại tập trung trú mưa dưới cầu vượt? Nếu dừng ngay tại lòng đường chỗ vòng xoay thì ta có lợi nhưng bao nhiêu người đi sau ta thì bất lợi, phải dừng lại, bị kẹt xe mà còn kẹt ở ngoài trời mưa nữa chứ, thế là không công bằng, ta không nên làm.

Nếu làm chỗ trú mưa mà kinh phí chỉ vài ba chục triệu đồng thì cũng có thể làm nhưng đến trăm triệu đồng thì không nên chút nào, nói gì đến cả tỉ đồng là càng không nên.

Anh NGUYỄN VĂN TIẾN (xe ôm ở khu vực vòng xoay Hàng Xanh):

Không nên bỏ cây xanh để làm chỗ trú mưa

Tôi thấy đập bỏ cây xanh đi làm thành chỗ trống để trú mưa là không nên, vì lúc bắt đầu mưa có thể tận dụng được nhưng thường là sẽ bỏ không thì coi không đẹp đẽ gì, toàn bê tông không. Khi xây thành chỗ trú mưa rồi thì bây nhiêu đó cũng đâu có đủ cho mấy xe trú mưa, khi chỗ trú đã đầy rồi cũng sẽ có người đứng đầy ra lòng đường thôi, đã nói là do ý thức mà. Có chỗ trú mưa cũng không hết kẹt xe!

Tôi hay chạy tuyến xa lộ Hà Nội, ở đây là còn đỡ chứ ở đoạn cầu vượt đoạn rẽ đi Cát Lát, cầu vượt chỗ trạm 2 thì còn kẹt hơn nữa. Vì mấy đoạn đó không có nhà cửa sát bên đường nên người ta trú mưa dưới gầm cầu vượt nhiều lắm, gây kẹt xe hoài. Không lẽ bỏ tiền làm chỗ này xong rồi làm tiếp chỗ mấy cầu vượt khác, tốn biết bao nhiêu cho đủ.

Chị PHẠM THỊ K.T. (bán nước khu vực vòng xoay Hàng Xanh):

Xây chỗ chi cho giành nhau!

Ai trú ở đây cũng có lý do riêng của họ cả, còn giao thông chung thì sao? Bỏ cả tỉ đồng để xây chỗ trú mưa sao? Vậy thì bao nhiêu con đường chẳng lẽ đều xây hết? Tôi thấy không nên lãng phí tiền xây chỗ trú mưa. Xây xong có khi ai nấy đều tấp vô đó, càng kẹt hơn. Nói xui xẻo, có khi giành nhau cái chỗ trú mưa rồi đánh lộn không chừng!

Làm gì đến 2,2 tỉ đồng?

Khu có trách nhiệm quản lý, thấy thực tế thế nào thì chúng tôi đề xuất giải pháp thế đấy.

Các giải pháp như tuyên truyền, vận động, xử phạt, đội mưa điều khiển giao thông... thì các đơn vị đều làm cả rồi nhưng dân vẫn cứ đứng trú mưa cả trăm người trên lòng đường đấy thôi. Không thể tuyên truyền một sớm một chiều mà thay đổi được cách đứng trú mưa của người dân.

Với giải pháp làm chỗ trú mưa, mục tiêu không phải là chuyện trú mưa, mục tiêu chính là để dân không đứng bít lòng đường, không gây kẹt xe nữa. Dân có chỗ đứng trú mưa, mặc áo mưa, họ không đứng tràn ra lòng đường nữa thì sẽ không cản trở giao thông, có thể tạm giải quyết phần nào nạn kẹt xe mỗi khi bắt đầu mưa.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có nhiều giải pháp phân luồng giao thông khác chứ không phải chỉ chuyện cải tạo làm chỗ trú mưa mà giải quyết được kẹt xe.

Kinh phí cải tạo mảng xanh làm chỗ trú mưa làm gì đến 2,2 tỉ đồng. Đây là con số không chính xác. Kinh phí để cải tạo mảng xanh làm chỗ trú mưa và một số hạng mục khác liên quan đến cầu vượt, như lắp biển báo giao thông (cho xe máy lên cầu vượt), lắp đèn tín hiệu giao thông chớp vàng... mới lên đến khoảng 1 tỉ đồng.

Ngoài đề xuất làm chỗ trú mưa thì Khu 2 cũng đề xuất cho xe máy chạy lên cầu vượt trong khoảng thời gian 6-9 giờ và 16-19 giờ, kèm theo đó là phải nâng độ cao của thành hộ lan cầu. Khoản chi nâng hộ lan cầu vượt là trên 1,1 tỉ đồng.

Tổng chi cho nhiều khoản trong đề xuất mới đến 2,2 tỉ đồng chứ không phải làm chỗ trú mưa mà đến 2,2 tỉ đồng đâu.

Một cán bộ quản lý Khu Quản lý
Giao thông đô thị số 2 (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm