Câu cá trên kênh Nhiêu Lộc, dẹp được không?

LTS: Sau khi cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chính quyền đã thả hàng chục tấn cá xuống để vừa tạo cảnh quan, vừa cân bằng sinh thái, nhằm tôn tạo vẻ đẹp của dải lụa đào vắt qua TP.HCM. Thế nhưng hằng ngày vẫn có nhiều người đến đây câu cá, bất chấp biển cấm.

Từ khi bảng cấm câu cá dựng dọc hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đường Hoàng Sa và đường Trường Sa), ai cũng nghĩ chuyện câu cá trên con kênh này sẽ không còn nữa. Nhưng không, dân câu vẫn tụ đến đây móc mồi thả cần khiến người dân và người đi đường nhìn thấy rất xốn mắt.

Hình ảnh phản cảm

Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 4-7, dọc hai bên bờ kênh này có hàng chục người dân vô tư câu cá. Một người dân nhà ở gần kênh đoạn phường 14, quận 3 cho biết:“Ngày nào cũng có người đến câu, nhất là khoảng 6-7 giờ tối. Có người ngày câu được mấy ký cá mang về nhà”.

Theo người dân này thì việc đặt bảng cấm không có tác dụng mà các cơ quan chức năng cần cung cấp đường dây nóng và phổ biến số này đến từng hộ dân. Khi người dân phát hiện có người đến câu thì báo lên để phường cử lực lượng xuống xử lý ngay. “UBND phường nhiều việc, lực lượng thì mỏng nên không thể giờ nào cũng đi kiểm tra. Nếu làm thế, tôi tin tình trạng câu cá dọc tuyến kênh này sẽ không còn” - người này hiến kế.

Bà Nguyễn Thị Tuyết (nhà ở phường 11, quận 3) kể bà thường xuyên đi tập thể dục dọc theo bờ kênh vào mỗi tối nên thấy lúc này dân câu đến đây rất đông. Có lẽ ban đêm trời mát, họ rảnh rỗi nên tụ lại đông, cũng có thể họ né các cơ quan chức năng. “Việc câu cá như thế hết sức phản cảm, nhất là đến ngày rằm, mùng 1, phía trên người ta thả cá phóng sinh thì phía dưới nhiều người đứng đợi sẵn để câu hoặc vớt.

Tôi kiến nghị các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý những người câu cá, góp phần làm cho hai bờ kênh trở thành điểm lui tới sinh hoạt của người dân. Chứ hiện nay tình trạng câu cá diễn ra tràn lan nên người dân cũng ngại ra đây” - bà Tuyết nói.

Anh Trần Văn Toán, nhà ở quận Tân Bình, người thường xuyên đi làm và đi về trên hai tuyến đường bờ kênh, bức xúc: “Tôi không hiểu họ nghĩ gì khi vô tư đứng câu cạnh những bảng cấm? Anh biết lấy việc câu cá làm thú vui giải trí tao nhã thì lẽ nào anh không biết xấu hổ khi mình đã làm nên hình ảnh phản cảm như vậy?”.

Đừng để thú vui của mình thành hình ảnh phản cảm trên dòng kênh xanh tuyệt đẹp của TP.HCM. Ảnh: MINH QUÝ

Chưa có quy định xử lý

Vậy có xử phạt những người câu cá ven kênh này không? Câu trả lời là không vì hiện chưa có quy định xử phạt về hành vi này.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết một số biện pháp mà TP đưa ra để ngăn chặn như treo biển cấm câu cá, ra quân vận động, dẹp bỏ nạn câu cá và cả… tịch thu cần câu. “Tuy nhiên, về mặt pháp lý thì biện pháp tịch thu cần câu là chưa ổn vì chưa có căn cứ pháp luật. Hiện nay Nghị định số 103/2013 quy định việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực hoạt động thủy sản không quy định việc xử phạt hành vi câu cá trong kênh rạch ở đô thị… Trong khi chưa có quy định xử phạt hành vi câu cá thì có thể áp dụng các biện pháp liên quan khác như xử phạt hành vi (người câu) để phương tiện như xe máy, xe đạp… ở lòng đường đô thị, hè phố khi câu cá... Đây chỉ là biện pháp tạm thời, về lâu dài nên có quy định riêng để xử phạt hành vi câu cá trên kênh, rạch ở đô thị” - luật sư Chánh nói.

Theo đại diện UBND phường 13, quận Phú Nhuận thì ngoài việc gắn các bảng cấm, thời gian qua phường mới chỉ vận động, nhắc nhở người dân chứ chưa xử phạt trường hợp nào. Nếu như có xử phạt vi phạm hành chính thì phường chỉ xử về hành vi đậu xe không đúng nơi quy định thôi. Vị này nói thêm: “Cần sớm có quy định xử phạt đối với hành vi câu cá tại các kênh rạch đã cải tạo. Khi có quy định thì chính quyền địa phương mới dễ quản lý và xử lý”.

Nên có quy định cấm câu cá có thời hạn

Vừa qua, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản chỉ kiểm tra, xử lý những trường hợp đánh bắt cá kiểu tận diệt như dùng thuốc nổ, thuốc độc, lưới quét, câu chùm, xung điện… Còn chuyện câu cá thì do luật không quy định nên không thể kiểm tra, xử lý. Trước đây, UBND các phường tổ chức tuyên truyền thì số lượng người câu cá có giảm nhưng sau đó việc này vẫn tiếp tục tái diễn. Nếu lực lượng công an địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở thì tình trạng câu cá sẽ giảm.

Hiện chi cục đang kiến nghị Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND TP.HCM ra quy định cấm đánh bắt cá có thời hạn nhất địnhtrêncác tuyến kênh nội đô. Sở dĩ nói có thời hạn vì thời gian đầu các loại cá được thả cũng góp phần cải tạo nguồn nước sau khi cải tạo kênh; qua thời gian, cá sẽ sinh sôi nhiều, lúc ấy có thể cho phép người dân khai thác, bằng hình thức câu chẳng hạn, để cân bằng hệ sinh thái. Chứ còn trong khoảng thời gian này mà khai thác cá tại những khu vực này là rất phản cảm.

Ông TRẦN ĐÌNH VĨNH, Chi cục trưởng Chi cục
Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản
- Sở NN&PTNT TP.HCM

Các tay câu nói gì?

Do rảnh rỗi nên tôi ra đây câu cá giải trí chứ không nhắm vào việc mang cá về ăn hay bán. Tôi thích câu ở đây vì gần nhà, không phải đi ra vùng ven xa xôi và không tốn tiền dịch vụ câu cá như ở các điểm câu có thu phí (tốn cả 100.000 đồng/lần câu). Thỉnh thoảng tôi mới mang cần ra câu nên chưa bị phạt lần nào.

Ông T., nhà ở quận Gò Vấp, TP.HCM

Hôm nay rảnh rỗi nên tôi ra đây câu cá, vừa để giải trí, vừa cải thiện bữa ăn cho vui. Cá do tự tay mình câu đương nhiên khi thưởng thức sẽ… ngon hơn (cười). Bữa nay tôi câu được năm con cá trê khá to. Tôi cũng biết là Nhà nước cấm câu cá ở đây nhưng vì chỗ này gần nhà, mát mẻ, nếu gặp cơ quan chức năng đến thì tôi sẽ… năn nỉ xin bỏ qua.

Ông Q., nhà ở quận Phú Nhuận

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm