Cảnh giác với "bẫy" lương cao từ nhà tuyển dụng

Mất tiền để… bị đuổi

Nhớ lại kỷ niệm chua xót vì một lần lỡ “ham việc,” Lâm, sinh viên năm thứ hai Đại học Hà Nội, vẫn không khỏi bùi ngùi. Lướt qua một số trang web tuyển dụng lao động, Lâm “phải lòng” ngay một công ty thương mại trên đường Bạch Mai. Mức lương 3 triệu đồng chưa kể tiền thưởng hàng tháng cho vị trí bán hàng làm xao lòng cậu học trò nghèo.

Theo địa chỉ trên trang web tuyển dụng, Lâm tìm đến “trụ sở chính” của công ty này như quảng cáo. Thế nhưng, tới nơi, Lâm mới té ngửa rằng, đây thực chất chỉ là trụ sở của… công ty môi giới.

Cảnh giác với "bẫy" lương cao từ nhà tuyển dụng ảnh 1

Vẫn có không ít người lao động tìm đến trung tâm giới thiệu việc làm "ma" để bị mất tiền oan. Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: Internet

Điều kiện làm việc hấp dẫn đã khiến cậu bỏ qua chút nghi ngờ ban đầu. Nếu thích, cậu có thể chọn hình thức làm theo ca, mỗi ca hai tiếng với tiền công cũng khoảng 160.000 đồng/ca.

Theo lời nhà tuyển dụng, công việc đơn giản, lương cao nên số người “tranh giành” cũng không ít, Lâm may mắn đăng ký sớm nên cơ hội được nhận việc rất lớn. Tất cả những việc cậu cần làm chỉ là đóng 150.000 đồng để làm “sổ lương,” ghi phiếu rồi ra công ty nhận việc.

Bấm bụng đóng 150.000 đồng, Lâm khấp khởi đến trụ sở thật của công ty nọ. Ở đây, cậu cùng hàng chục ứng viên khác được phát mỗi người một tập tài liệu dày cộp để học thuộc.

Vật lộn với mớ tài liệu được giao, Lâm tự tin quay lại công ty y hẹn. Buổi kiểm tra diễn ra suôn sẻ như cảm nhận của cậu sinh viên. Nhưng vài tuần sau cậu nhận được “tin dữ”: Trượt vì không thuộc tài liệu.

“Hôm đó em kiểm tra rất tốt, mọi câu hỏi nhà tuyển dụng đưa ra em đều thuộc lòng nhưng không hiểu sao lại bị đánh trượt. Liên lạc lại với công ty để thắc mắc thì chỉ nhận được những hồi chuông điện thoại kéo dài,” Lâm bức xúc nhớ lại.

Không đành lòng, Lâm quay lại công ty này tìm hiểu thì mới vỡ lẽ, không ít người cũng lâm vào cảnh mất tiền, mất việc như mình.

Nghe chị bán nước cạnh đó kể lại, Lâm mới hay, có người đã tốn cả triệu đồng cho những lần nộp "quỹ lương" tại công ty kia.

“Nhiều thí sinh cũng kể với em rằng, họ trả lời rất tốt nhưng có khi chỉ vì sai một vài từ mà bị loại không thương tiếc. Với 150.000 đồng/người, không biết một ngày có bao nhiêu con mồi sa lưới,” Lâm thắc mắc.

Cũng nhờ vả phải một trung tâm môi giới việc làm “ma,” Phạm Minh Hiền, một nữ sinh viên của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, còn cay đắng hơn nhiều khi mất đứt 300.000 đồng mà không có cơ may đòi được.

Trong hợp đồng thử việc của Hiền có ghi rõ nếu bị thôi việc sau 10 ngày thử việc sẽ bị trừ đi 50% số tiền đặt cọc.

Hiền chấp nhận mất 150.000 đồng và tới trung tâm đòi một nửa còn lại, song không hề dễ, lúc thì trung tâm này nói thủ quỹ bận, khi thì lại bảo đi vắng...

Hiền khẳng định rằng: “Những kẻ này nhất định là câu kết với những nơi cần người lao động để lừa đảo. Chắc chắn trung tâm đã nói trước với những nơi sẽ nhận người rằng sau thời gian thử việc sẽ loại mình ra, để nơi tuyển dụng không phải trả lương mà trung tâm cũng được một nửa số tiền đặt cọc. Em làm rất chăm chỉ, không vi phạm... thế mà vẫn bị đuổi.”

Gặp Lâm và Hiền để tìm hiểu nguyên nhân của sự mất tiền oan thì cả hai đều cho rằng, tuy các thông tin trên các sàn giao dịch việc làm rất nhiều và miễn phí môi giới nhưng họ vẫn không dám đăng ký.

"Tiền nào của nấy, khi tới các trung tâm môi giới việc làm tuy mất một khoản tiền, nhưng nếu được tuyển dụng, mức lương sẽ cao hơn," Hiền và Lâm đều khẳng định như vậy.

Mức lương “trên trời” giăng bẫy lao động

Theo khảo sát của phóng viên, các trung tâm giới thiệu việc làm thường xuất hiện xung quanh các trường đại học lớn tại Hà Nội. Đường Nguyễn Trãi, đi dọc Bách hóa Thanh Xuân chưa đầy 2km đã có bốn trung tâm giới thiệu việc làm.

Điều tương tự cũng xảy ra ở những nơi có nhiều trường đại học như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Từ Liêm, Giải Phóng.

Thực tế, trên thị trường việc làm hiện nay có rất nhiều thông tin "bát nháo", thật giả lẫn lộn. Giữa biển thông tin mịt mùng, nhiều lao động phổ thông với trình độ hạn chế sẽ bị lừa.

Khi chúng tôi tới một trung tâm môi giới việc làm ở Cầu Giấy, người giới thiệu đã đưa ra danh sách hơn 20 đầu việc dành cho lao động phổ thông có mức lương từ 2 tới 4 triệu đồng/tháng.

Nhưng lao động muốn biết được thông tin, địa chỉ cụ thể kèm lời giới thiệu của trung tâm thì phải mất khoản phí là 300.000 đồng.

Theo ông Trung Chính, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, mức lương từ 2 đến 4 triệu đồng/tháng cho lao động phổ thông là con số cao không tưởng.

Câu hỏi đặt ra là liệu có khả năng các đơn vị tuyển dụng có phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm để “gài bẫy” người lao động? Theo ông Chính, trường hợp này rất khó xảy ra.

Ông Chính cho hay, thực tế mức lương cho lao động phổ thông mà các nhà tuyển dụng đưa ra chỉ rơi vào khoảng 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên để thu hút được người tìm việc, các trung tâm giới thiệu việc làm không hợp pháp thường đẩy nó lên gấp 2-3 lần.

“Chính tiền lương cao là "mồi" hấp dẫn nhất mà các trung tâm thường đưa ra để lừa người lao động," ông Chính kết luận.

Theo số liệu của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, trung tâm chỉ đáp ứng cao nhất là 20% số lao động phổ thông mà các nhà tuyển dụng cần, thấp nhất là 8%. Một trong những nguyên nhân khiến sàn giao dịch việc làm này không thu hút được lao động là do các nhà tuyển dụng đã đưa ra mức lương quá thấp.

”Với mức lương từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng thì lao động phổ thông sẽ rất khó để đáp ứng nhu cầu cuộc sống tại Thủ đô,” ông Chính suy luận.

Thế nên chẳng có gì là khó hiểu khi các các trung tâm dịch vụ việc làm miễn phí và có độ tin cậy cao luôn thiếu những lao động phổ thông nộp đơn, trong khi có rất nhiều lao động chấp nhận mất tiền oan cho các trung tâm không hợp pháp. Mức lương chênh lệch từ hai đến ba lần giữa hai trung tâm này luôn là lời giải thích dễ hiểu.

Theo Xuân Dũng (Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm