Cảnh báo hay nhưng không còn phù hợp

Mấy lần đến Tiền Giang, Bến Tre, tôi và nhiều người đi đường rất ấn tượng với cách cảnh báo giao thông tại đây. Ở nhiều giao lộ, ngành giao thông có cắm bảng “vượt đèn đỏ tạm giữ xe 30 ngày”. Khác một chút với Tiền Giang, Bến Tre có trích dẫn thêm căn cứ pháp lý: “Điểm 6 khoản 1 Điều 49 Nghị định 146/2007/NĐ-CP”. Theo ghi nhận của tôi, có lẽ vì sợ hình phạt nghiêm khắc này mà hầu hết các xe đều răm rắp dừng chờ đèn đỏ. Lập tức, tôi nghĩ TP.HCM cần có các bảng cắm tương tự để giao thông đỡ lộn xộn.

Thế nhưng mới hôm qua có dịp đến Bến Tre và tiếp tục nhìn thấy các bảng trên, tôi lại thấy có vài điểm cần trao đổi với các cơ quan chức năng.

1. Kể từ ngày 20-5, Nghị định 146/2007 đã hết hiệu lực để nhường chỗ cho Nghị định 34/2010. Do vậy, việc để Nghị định 146 trên các bảng đã không còn phù hợp.

Cảnh báo hay nhưng không còn phù hợp ảnh 1

Cách cảnh báo cụ thể thế này dễ tạo ra hiệu quả tốt. (Ảnh chụp chiều 22-5 ở ngã tư huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) Ảnh: TÂM PHÚC

2. Nhất định phải chỉnh sửa cơ sở pháp lý của việc chế tài nhưng thay đổi thế nào cho đúng? Khác với Nghị định 146 (quy định nhiều thời hạn giam xe ngắn, dài khác nhau đối với một số loại vi phạm cụ thể), Nghị định 34 chỉ quy định một thời hạn giam xe (10 ngày) đối với một số loại vi phạm nghiêm trọng, mà trong đó không có hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”.

Đáng lưu ý là khoản 2 Điều 54 của Nghị định 34 có thòng thêm quy định “hàng hai”: Ngoài những vi phạm được liệt kê, người thực hiện các hành vi vi phạm giao thông khác vẫn có thể bị tạm giữ xe theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (PLXLVPHC). Tức cơ quan chức năng có quyền tạm giữ tất cả phương tiện vi phạm trong những trường hợp quy định. Thời hạn tạm giữ là 10 ngày và có thể kéo dài 60 ngày nếu vụ việc phức tạp.

Chỉ xét riêng hành vi vượt đèn đỏ, nếu theo khoản 1 Điều 54 thì không bị giam xe nhưng nếu xét theo khoản 2 Điều 54 thì có thể bị giam xe. Rối rắm vậy, sao dân biết đường chấp hành?

Theo PLXLVPHC,
việc tạm giữ phương tiện chỉ được áp dụng trong ba trường hợp: a) Cần xác minh tình tiết để làm căn cứ xử lý; b) Ngăn chặn ngay vi phạm; c) Để cá nhân chấp hành quyết định phạt tiền. Để cụ thể hóa nguyên tắc này trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Chính phủ được quyền hướng dẫn loại vi phạm nào và trong trường hợp nào thì bị giam xe. Nhưng một khi đã chọn phương pháp liệt kê thì nên cố gắng liệt kê đầy đủ và không nên vừa quy định chi tiết, vừa quy định chung chung, gây khó cho cả cảnh sát giao thông và người tham gia giao thông. Mong rằng hạn chế này sẽ sớm được khắc phục bằng một văn bản hướng dẫn tới đây của Bộ Công an.

Trước mắt, đối với hành vi vượt đèn đỏ, căn cứ vào PLXLVPHC và Nghị định 34/2010, có lẽ hai tỉnh trên phải chuyển việc cảnh báo từ thể khẳng định sang thể “lửng lơ”. Từ chỗ ghi “vượt đèn đỏ tạm giữ xe 30 ngày” có lẽ phải đổi thành “vượt đèn đỏ có thể tạm giữ xe 10-60 ngày”. Dài hơn và cũng “yếu” hơn!

Các vi phạm bị tạm giữ xe trong 10 ngày

Xe máy: Lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu, hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/lít khí thở; lái xe mà trong cơ thể có chất ma túy v.v…

Ôtô: Chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/giờ đến 35 km/giờ; lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu, hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở v.v…

(Theo khoản 1 Điều 54 Nghị định 34/2010)

PHẠM CHÍNH (Quận 2, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm