Cái gì phường được chứng, cái gì không?

Nghị định 79 ngày 18-5-2007 của Chính phủ (về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực chữ ký…) và Quyết định số 31 ngày 20-5-2011 của UBND TP.HCM đã minh định thẩm quyền chứng thực, công chứng các giấy tờ, hợp đồng, giao dịch. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa rõ trường hợp nào thì đến UBND phường, xã, thị trấn, trường hợp nào phải đến các tổ chức hành nghề công chứng để làm các giấy tờ, hợp đồng phục vụ cho việc giao dịch của chính mình.

Cái gì phường được chứng, cái gì không? ảnh 1

Người dân đang làm thủ tục công chứng tại Phòng Công chứng số 6. Ảnh: KP

Chứng thực chữ ký hay nội dung?

Ông Q. (phường 5, quận Bình Thạnh) có làm bản cam kết sẽ đại diện các đồng thừa kế đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Ngày 20-12-2011, ông Q. đến UBND phường 5 yêu cầu chứng thực chữ ký trong bản cam kết đó nhưng không được giải quyết. Lý do: Ông không có giấy tờ thể hiện ba đồng thừa kế nhà còn lại đồng ý cho ông đứng tên trên giấy chứng nhận. Ông Q. không hài lòng với sự từ chối này vì cho rằng mình chỉ yêu cầu phường chứng thực chữ ký nên phường không cần xem xét nội dung.

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường 5 (quận Bình Thạnh), cho biết: “Ông Q. yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy cam kết nhưng giấy này có nội dung không đúng quy định của pháp luật nên chúng tôi đã hướng dẫn làm lại. Bởi lẽ theo Điều 4 Thông tư 17/2009 của Bộ TN&MT, việc cử người đại diện ghi tên vào giấy chứng nhận phải bằng văn bản thỏa thuận của những người được thừa kế đã xác định (có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật). Như thế, các đồng thừa kế của ông Q. phải đến các tổ chức hành nghề công chứng để làm văn bản thỏa thuận này. Do họ chưa làm nên chúng tôi không thể chứng thực chữ ký của ông Q. trên giấy cam kết”.

Ông L. thắc mắc: Mới đây ông đến UBND phường 8 (quận 8) làm giấy ủy quyền cho con trai được thay mặt ông nhận tiền bồi thường đất nhưng UBND phường đã từ chối chứng thực mà hướng dẫn ông đến các cơ quan công chứng. Ông không rõ phường chỉ vậy có đúng không vì vào đầu năm 2010, cũng với nội dung này ông vẫn được phường chứng thực để con gái ông nhận tiền bồi thường thay.

Theo giải thích của cán bộ phường, với Quyết định 26 ngày 27-4-2010 của UBND TP.HCM, UBND các phường, xã, thị trấn không có thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch như của ông L. Thay vào đó, các tổ chức hành nghề công chứng đảm nhận việc này.

Thẩm quyền chứng thực của UBND cấp phường

Theo Nghị định 79/2007 và Quyết định 31/2011 nêu trên, UBND phường, xã, thị trấn ở TP.HCM được quyền chứng thực những việc sau đây:

- Chứng thực bản sao từ bản chính (tiếng Việt, song ngữ).

- Chứng thực chữ ký tiếng Việt trên các giấy tờ, văn bản như: sơ yếu lý lịch; hưởng trợ cấp một lần; xác nhận giảm trừ gia cảnh; phiếu đăng ký tuyển sinh; xin đổi, cấp giấy phép lái xe; văn bản thỏa thuận cử người đại diện ghi tên vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất nếu có nhiều người được thừa kế theo pháp luật nhưng khi cấp giấy chứng nhận họ vẫn chưa phân chia cụ thể phần thừa kế của mỗi người; thừa nhận con chung của vợ chồng; đồng ý cho người thân dẫn con đi tham quan, du lịch

- Chứng thực di chúc.

- Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản là động sản.

- Chứng thực sáu loại văn bản ủy quyền (về đất hay đất có tài sản gắn liền với đất (không phải là nhà ở) của hộ gia đình, cá nhân trong nước; nộp hồ sơ và nhận giấy chứng nhận của người đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở; ủy quyền đăng ký xe; thực hiện việc khiếu nại; nhận lương hưu, nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bằng tiền mặt v.v...).

Thẩm quyền chứng thực của Phòng Tư pháp quận, huyện

- Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài.

- Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài.

- Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài.

Phòng công chứng, văn phòng công chứng được quyền công chứng, chứng thực tất cả hợp đồng, giao dịch.

Họ đã nói

Theo Quyết định số 31/2011 của UBND TP.HCM, kể từ ngày 1-6-2011 UBND phường, xã, thị trấn không còn đảm nhận việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch về nhà đất (trừ việc chứng thực di chúc). Do vậy, người dân phải đến các cơ quan công chứng để thực hiện những việc này. Hiện tại, TP.HCM có 29 tổ chức hành nghề công chứng (ở các huyện có 12 văn phòng công chứng), được phân bổ vị trí phù hợp để tạo thuận tiện cho người dân liên hệ, giao dịch.

Việc chuyển giao này nhằm góp phần nâng cao chất lượng công chứng, đảm bảo sự an toàn về pháp lý cũng như việc phòng ngừa rủi ro, hạn chế tranh chấp cho người dân.

Ông TRẦN VĂN BẢY, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp - Sở Tư pháp TP.HCM

KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm