Cách thức khai thuế thu nhập cá nhân sao có lợi nhất

Thay cho việc ấn định mức khởi điểm chịu thuế như trước đây, Luật Thuế thu nhập cá nhân cho phép các cá nhân được miễn trừ gia cảnh cho bản thân và cho những người phụ thuộc. Vậy ai được xác định là người phụ thuộc? Phải khai sao về số người đang nuôi dưỡng để có mức thuế đóng hợp lý nhất?

Các đối tượng phụ thuộc

Chủ yếu có bốn nhóm sau đây:

1. Con: Con dưới 18 tuổi; con trên 18 tuổi bị tàn tật, không có khả năng lao động; con đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá 500.000 đồng/tháng.

2. Vợ/chồng ngoài độ tuổi lao động hoặc trong độ tuổi lao động nhưng bị tàn tật, không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá 500.000 đồng/tháng.

3. Cha mẹ đẻ (hoặc cha mẹ vợ, cha mẹ chồng) thuộc các trường hợp nêu trên.

4. Anh, chị, em ruột; ông, bà nội/ngoại; cô, dì, cậu, chú, bác ruột; cháu ruột (con của anh, chị, em ruột của người nộp thuế); người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác. Ngoài việc phải có các điều kiện nêu trên thì những người này còn có thêm điều kiện là không nơi nương tựa, được người nộp thuế trực tiếp nuôi dưỡng.

Nếu nhóm một rất rõ ràng thì đang có nhiều cách hiểu khác nhau về các nhóm còn lại. Chẳng hạn, được xét là người phụ thuộc đối với “vợ/chồng ngoài độ tuổi lao động hoặc trong độ tuổi lao động nhưng bị tàn tật, không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá 500.000 đồng/tháng” thì có phải là:

- Vợ/chồng ngoài độ tuổi lao động đương nhiên là người phụ thuộc?

- Vợ/chồng trong độ tuổi lao động được xét là người phụ thuộc khi có một trong các điều kiện: Bị tàn tật, không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá 500.000 đồng/tháng?

Theo nhiều chuyên gia thuế, điều luật này cần được hiểu thống nhất là: Vợ hoặc chồng ngoài độ tuổi lao động (hoặc trong độ tuổi lao động nhưng bị tàn tật, không có khả năng lao động), không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá 500.000 đồng/tháng. Như vậy,

- Người ngoài độ tuổi lao động được xem là người phụ thuộc với điều kiện không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá 500.000 đồng/tháng.

- Người trong độ tuổi lao động được xem là người phụ thuộc nếu bị tàn tật, không có khả năng lao động và sau nữa là không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá 500.000 đồng/tháng.

Riêng về khái niệm “người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác” ở nhóm bốn thì Cục Thuế TP.HCM đang chờ hướng dẫn của cấp trung ương.

Nên khai thế nào?

Thắc mắc này chiếm số lượng khá lớn trong các thư gửi về Báo Pháp Luật TP.HCM. Giả sử chồng và vợ hàng tháng đều có thu nhập từ tiền lương, tiền công và có hai con dưới 18 tuổi. Vậy chồng khai có hai người phụ thuộc hay nên chia ra mỗi người khai một con?

Do Luật Thuế thu nhập cá nhân có quy định việc giảm trừ cho bản thân bốn triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng nên việc tính toán “lợi, thiệt” chỉ đặt ra đối với những trường hợp có thu nhập từ tiền lương, tiền công trên bốn triệu đồng và giữa vợ hoặc chồng thì ai có thu nhập cao hơn. Để “lợi” hơn, người có thu nhập cao hơn có thể khai về mình tất cả số người phụ thuộc. Trường hợp vợ hoặc chồng có thu nhập ngang nhau thì có thể chia đều số người phụ thuộc vì thu nhập tính thuế càng ít thì số thuế phải nộp càng ít.

Ví dụ: Chồng có thu nhập 10 triệu đồng/tháng, vợ thu nhập hai triệu đồng/tháng, do vợ không phải nộp thuế nên chồng có thể khai tất cả những người phụ thuộc về mình. Nếu vợ chồng này có hai con thì người chồng được giảm trừ gia cảnh 7,2 triệu đồng (bản thân chồng là bốn triệu đồng, hai người phụ thuộc là 3,2 triệu đồng (1,6 triệu đồng x hai người). Thu nhập tính thuế của chồng chỉ còn 2,8 triệu đồng (10 triệu đồng - 7,2 triệu đồng), chồng nộp thuế thu nhập cá nhân là 140.000 đồng.

Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc đối với vợ hoặc chồng:

- Đối với vợ hoặc chồng đã hết tuổi lao động: Bản sao sổ hộ khẩu hoặc bản sao giấy chứng nhận kết hôn;

- Đối với vợ hoặc chồng trong độ tuổi lao động: ngoài các giấy tờ nêu trên thì phải có thêm bản sao xác nhận của cơ quan y tế cấp huyện trở lên hoặc bản khai có xác nhận của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên hoặc bản sao có xác nhận của UBND cấp xã về mức độ tàn tật không có khả năng lao động.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm