Bỏ trống sân trường vào hè: rất lãng phí

Một người bạn của tôi than thở bạn không biết cho đứa con học lớp 4 chơi hè ở đâu và rồi thằng bé đã tự sắp xếp bằng cách chơi game trên máy tính hết sáng đến chiều. Khi bị la rầy, cấm đoán, chú nhóc tỏ ra lừ đừ ít nói, không hoạt bát như lúc được chơi.

Bản thân tôi cũng có hai con đang học tiểu học. Bình thường bọn trẻ học tập, sinh hoạt, vui chơi tại trường cả ngày. Chỉ những ngày cuối tuần các con tôi mới được theo cha hoặc mẹ đến siêu thị, nhà sách hay hồ bơi để thư giãn. Nhưng khi chúng được nghỉ hè thì lại khác. Do không có nhiều thời gian nên vợ chồng tôi đành để các con tự chơi trong nhà với nhau. Thế là mỗi đứa một góc phòng nằm ôm gối xem tivi suốt ngày. Khi ba mẹ rầy la thì bọn trẻ lén mở máy tính chơi game. Nhiều lần các cháu than thở: “Con muốn đi học. Ở nhà chán quá,  đi học có bạn bè vui hơn…”. Bí quá, gia đình chọn cách gửi hai cháu về quê để có không gian vui chơi trong những ngày hè.

Từ nhiều năm nay, mỗi khi đến hè là các bậc phụ huynh lại đau đầu về việc chơi hè của con. Nhưng rồi tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, điệp khúc thiếu sân chơi, bãi tập; các nhà văn hóa, khu vui chơi dành cho trẻ luôn quá tải… vẫn cứ tiếp diễn. Nguyên do là những nơi này còn được tận dụng để cho thuê mặt bằng hoặc mở thêm các loại dịch vụ dành cho người lớn. Cứ thế, sân chơi đã nhỏ lại càng nhỏ hơn.

Bỏ trống sân trường vào hè: rất lãng phí ảnh 1

Có mặt bằng rất lý tưởng nhưng sân chơi của một trường THPT lại dành chỗ cho rong rêu mọc đầy. Ảnh: THÁI HIẾU

Vì thiếu những điểm vui chơi lành mạnh, nhiều bậc cha mẹ đành chọn giải pháp cho con đi học thêm để bọn trẻ không còn thời gian trống với suy nghĩ “có thêm kiến thức vẫn có lợi hơn ngồi chơi game liên tục”. Cũng vì thiếu sân chơi an toàn mà học sinh các huyện ngoại thành thường tụ tập tắm sông, tắm hồ để rồi khó tránh khỏi những tai nạn thương tâm.

Trong khi đó, nhiều sân chơi rợp bóng mát của các trường học lại đóng cửa suốt mùa hè, bỏ mặc cho rong rêu mọc đầy. Không có em học sinh nào được vào trường vui chơi chỉ vì nhà trường lo ngại các em làm hư hỏng cơ sở vật chất.

Hiện nay, các loại hình sinh hoạt như Học kỳ quân đội (có thu phí), chiến dịch Hoa phượng đỏ… tạo cơ hội cho lớp trẻ rèn luyện các kỹ năng sống cơ bản và hữu ích đang được nhiều học sinh lẫn phụ huynh quan tâm. Do đó, với góc nhìn của một phụ huynh, tôi cho rằng sẽ có nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng cho con em mình tham gia sinh hoạt, vui chơi tại trường vào dịp hè nếu nhà trường có những chương trình hoạt động bổ ích, phù hợp với tâm sinh lý của các em. Để làm tốt việc này, các trường có thể thu phí hợp lý và lực lượng Đoàn, Đội của trường cần làm nòng cốt để các em có những ngày hè thật sự ý nghĩa.

PHẠM THỊ LOAN (Phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP.HCM)

Nhà trường vẫn là nơi phụ huynh tin tưởng nhất

Khuynh hướng hiện nay là giảm tải học hành nhưng nhiều trường lại mở lớp ôn luyện hè để các em không quên kiến thức đã học trước khi bước vào năm học mới. Có trường vì lý do kinh tế chỉ cho thuê mướn mặt bằng để phục vụ thi cử… trong khi các trường là nơi phụ huynh tin tưởng, ưu tiên gửi gắm con em mình. Cá nhân tôi rất ủng hộ việc các trường cần có kế hoạch tổ chức nhiều loại hình sinh hoạt vui chơi trong hè, giúp các em hình thành và rèn luyện các kỹ năng sống.

Ông PHẠM XUÂN HẬU, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Sân chơi còn nghèo vì thiếu kinh phí

Nhà trường luôn tạo điều kiện thuận tiện nhất cho các em sinh hoạt, vui chơi trong dịp hè. Nhiều năm nay, sân bãi nhà trường luôn được Hội đồng đội của quận sử dụng để thực hiện các chương trình sinh hoạt hè theo chỉ đạo từ quận. Tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí tổ chức nên chương trình hoạt động chưa bám sát thực tế cuộc sống và do vậy chưa tạo được hứng thú cho các em.

Ông LÊ VĂN HOÀNG, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Minh Hoàng (quận 11, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm