Bình Dương: Hiểm họa từ các đường ngang tự phát

Những đường ngang này nằm trên địa phận xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Bắt đầu từ km 1709+040

Ông Võ Văn Thêm - Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: “Gần đây, hàng loạt đường tự phát do người dân đập hàng rào bảo vệ ở cung đường ga Sóng Thần đang là mối hiểm họa đối với nhiều người. Hầu như năm nào cũng có vài người chết!”. Tại khu dân cư tổ 60 (tự phát “mọc” lên vào năm 2003), người dân đã tự mở đường đi ở km 1709+040. Sau đó, nhiều con đường khác cũng liên tiếp được mở khiến tình trạng mất an toàn giao thông đường sắt ở cung đường ga Sóng Thần càng trở nên nghiêm trọng. Bởi lẽ ngoài khu dân cư nói trên, còn có khu dân cư An Bình I (gồm có 200 hộ dân) với nhiều nhà trọ cho công nhân thuê (có hơn 10 ngàn công nhân) góp phần tăng số lượng người qua lại các đường ngang.

Để tiện đi lại, người dân đã đập nhiều đoạn tường rào bảo vệ ở khu vực ga Sóng Thần, có đoạn bị đập tới 3 m. Chạy dọc theo bờ tường dài khoảng một km nhưng có tới sáu địa điểm bị dân đập phá để mở đường ngang bất hợp pháp. Cũng tại km 1709+040 còn có một sạp bán hàng và điểm sửa xe đạp nằm trong hành lang chạy tàu khiến tổ chức giao thông tại đây càng trở nên lộn xộn.

Chị Nguyễn Thị Lê, công nhân khu công nghiệp Sóng Thần, người thường xuyên qua lại đoạn đường trên, lo lắng: “Việc qua lại tại các điểm này hết sức nguy hiểm vì không có gác chắn, cũng chẳng có chuông cảnh báo. Ớn nhất là khi tụi tui làm ca đêm, trời tối lại không có đèn!”. E ngại vậy nhưng chị Lê và hàng ngàn công nhân khác vẫn vô tư vác xe qua lại các đường ngang “tử thần” thay vì đi đường vòng dài 15 km.

Xây hôm trước, hôm sau bị phá

Theo ông Thêm, để hạn chế các hậu quả phát sinh, UBND xã đã kiến nghị UBND huyện Dĩ An xây bít các bờ tường trên. Song mọi việc đâu lại hoàn đấy. “Vừa xây hôm trước, hôm sau dân phá tiếp, chúng tôi không xử lý xuể” - ông Thêm nói. Năm 2006, UBND phường đã cùng với Xí nghiệp Toa xe Sài Gòn lập chốt cảnh báo tai nạn do lực lượng thanh niên xung kích xã đứng chốt. Nhưng rồi chốt gác đã phải đóng cửa do chính quyền không có tiền trả thù lao. Riêng đối với các sạp hàng trong hành lang chạy tàu, xã sẽ có biện pháp di dời trong nay mai.

Anh Thái Quyết Thắng - công nhân Cung đường ga Sóng Thần cũng thừa nhận các đường ngang tự phát trên đã có từ rất lâu và rất nguy hiểm. Hoạt động của hai sạp hàng đã vi phạm hành lang an toàn chạy tàu. Lại nữa, đây là đoạn khép góc, rất hạn chế tầm nhìn khi điều khiển tàu nên dễ xảy ra tai nạn.

Ông Nguyễn Văn Đĩnh - Cung trưởng Cung đường ga Sóng Thần cho biết: Từ km 1709+040 đến km 1709+600, nhiều đoạn tường rào đã bị đập phá. Cá biệt, tại km 1709+350, chưa kịp nghiệm thu tường xây thì người dân đã đập đến ba lần. Tại km 1709+040, ban ngày nhân viên cung đường cố gắng nhặt đá ra khỏi tà vẹt, đến đêm người dân lại lấy đá lấp lại để làm lối đi, gây khó khăn cho việc điều khiển tàu...

Cũng theo ông Đĩnh, đã có nhiều cuộc họp của Ban An toàn giao thông huyện Dĩ An và ngành đường sắt bàn cách khắc phục triệt để tình trạng trên nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Theo thống kê của Công an xã An Bình, huyện Dĩ An (Bình Dương), từ năm 2003 đến 2008, tại Km 1709+040 đã xảy ra 14 vụ tai nạn khiến 15 người chết, ba người bị thương. Riêng trong năm 2008, có hai vụ tai nạn khiến một người chết, một người bị thương. Các vụ tai nạn thường xảy ra vào lúc trưa và chạng vạng tối. Hầu hết nạn nhân là công nhân đang ở trọ tại khu dân cư tự phát tổ 60 và khu dân cư Bình An I.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm