Bán nhà duy nhất được miễn thuế

1. Sau một thời gian tích lũy tiền, tôi muốn đổi một căn nhà khác tiện nghi hơn. Được biết, trường hợp bán căn nhà duy nhất thì không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, nếu tôi mua nhà mới trước rồi mới bán căn nhà cũ thì khi bán căn nhà cũ, tôi có phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không?

Minh Châu (TP.HCM)

Trả lời: Theo khoản 2 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân, thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có nhà ở, đất ở duy nhất là thu nhập được miễn thuế.

Nếu ông bán nhà kể từ 1-1-2009 mà thời điểm đó ông chỉ có nhà ở duy nhất thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Còn nếu ông mua trước một căn nhà khác rồi mới bán căn nhà cũ thì phải nộp thuế theo quy định.

2. Ngày 8-12-2008, tôi mua một căn nhà (dạng nhà phố liên kế) tại khu đô thị Mỹ Phước (Bình Dương). Nguồn gốc căn nhà này do Công ty TDC Bình Dương xây dựng và bán, tôi là người mua thứ hai. Đầu tiên, Công ty TDC bán cho ông A với giá gốc là 1,2 tỷ đồng, sau đó ông A bán lại cho ông B có phụ lục xác nhận việc chuyển quyền sở hữu với giá không đổi do Công ty TDC lập. Sau đó, ông B bán lại cho tôi với giá 1,12 tỷ đồng (thấp hơn giá ban đầu) có phụ lục hợp đồng xác nhận về giá và quyền sở hữu. Tôi có phải đóng thuế thu nhập cá nhân khi đi làm “giấy hồng” không?

Quốc Việt (Quận 2)

Trả lời: Đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, người phải nộp thuế thu nhập cá nhân là người bán. Do đó, ông không phải nộp thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp này.

Người tàn tật phải có giấy xác nhận

Năm ngoái, chồng tôi (34 tuổi) bị tai nạn lao động và bị mất một bàn tay. Sau tai nạn, anh ấy nghỉ việc tại công ty và phụ giúp tôi buôn bán tạp hóa. Vậy chồng tôi có được xem là người phụ thuộc của tôi hay không?

Trần Thị Ngọc Tú (Quận 5)

Bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ, Cục Thuế TP.HCM, trả lời: Theo điểm 3.1.4 khoản 3 Mục I Phần B Thông tư số 84 ngày 30-9-2008 của Bộ Tài chính, vợ hoặc chồng của đối tượng nộp thuế trong độ tuổi lao động nhưng bị tàn tật, không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá 500.000 đồng/tháng thì được tính là người phụ thuộc.

Người tàn tật, không có khả năng lao động theo quy định nêu trên là người bị tàn tật, giảm thiểu chức năng, không thể trực tiếp sản xuất, kinh doanh hoặc người bị khuyết tật, dị tật bẩm sinh không có khả năng tự phục vụ bản thân được cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên xác nhận hoặc có bản tự khai được UBND cấp xã xác nhận về mức độ tàn tật không có khả năng lao động.

Nếu được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận là người tàn tật không có khả năng lao động, chồng của bà sẽ được tính là người phụ thuộc của bà.

ÁI PHƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm