Ức mẹ chồng, mách mẹ đẻ

Do phải học buổi tối, Như hay nhờ chồng đưa đón. Một lần, mẹ chồng có việc gấp nên giục con trai đèo đi. Như đứng chờ gần tiếng đồng hồ.

Tối về, hai vợ chồng Như to tiếng. Chuyện đến tai mẹ chồng, bà bảo: “Khiếp nhỉ, thế ra tôi và con trai tôi phải báo hiếu với chị à?’. Như giải thích: “Con không có ý đó. Nếu mẹ bận việc lâu thì bảo để con bắt xe ôm về. Đằng này, con cứ chờ mãi...”. Mẹ chồng Như nghe thế càng “tru tréo” rằng: “Tôi đi đâu phải báo cáo cho chị...”. Cuối cùng, Như bị mẹ chồng kết tội “cãi lão”, “vô giáo dục”.

Ấm ức cả đêm không ngủ được. Hôm sau, Như kể với mẹ đẻ. Mẹ đẻ Như tức tốc chạy qua nhà. Hai bên thông gia lục đục. Đã không được gì, Như còn bị chồng và mẹ chồng ghét.

Còn Hường (Hà Đông, Hà Nội) gần 6 tháng làm dâu cũng chịu nhiều ấm ức. Lúc mẹ chồng Hường ốm, một mình cô giúp mẹ tắm rửa, gội đầu, đi vệ sinh. Nhà cửa lúc nào cũng gọn gàng. Hường cũng rất chịu khó đổi món. Cô nấu nhạt đi, không cho cay và ít ăn đồ nhiều dầu mỡ vì mẹ chồng Hường bị bệnh dạ dày.

Thế mà có mấy bác hàng xóm sang thăm, bà lại than: “Khổ, ốm đau thế này có đứa nào chăm đâu. Con dâu thì đi tối ngày, chờ nó cho ăn cơm có mà chết đói”.

Bị oan, Hường tâm sự với mẹ đẻ. Mẹ đẻ Hường nóng tính và hay nói thẳng, tức tốc gọi điện giãy bày với thông gia. Mẹ chồng Hường bực bội cho là con dâu “điêu”, “đặt điều nói xấu mẹ chồng”... Từ đó, Hường bị mẹ chồng ác cảm.

Tốt nhất là xả ấm ức với chồng

Trong tình huống trên, một phần cư xử chưa đủ khéo thuộc về nàng dâu. Bản thân họ không ý thức được sự phức tạp của vấn đề nên làm mâu thuẫn hai bên thông gia gay gắt. Từ đó, ảnh hưởng đến tình cảm mẹ chồng – nàng dâu, nhất là hạnh phúc của vợ chồng. Nếu mẹ đẻ không khéo ăn nói, mẹ chồng không nghĩ cho hạnh phúc của con thì xích mích sẽ từ đó mà tăng lên.

Khi tình cảm đã rạn nứt thì khó mà quay lại như ban đầu. Thậm chí, đôi bên thông gia còn có ấn tượng xấu, hiềm khích lẫn nhau, không thèm nhìn mặt, hay tệ hơn là “tuyệt giao”. Dù là lý do gì, ai đúng – ai sai thì vợ chồng cũng khó hóa giải nổi. Chưa kể, mẹ đẻ xót con gái lại giục con ly hôn; mẹ chồng ghét con dâu thì xui con trai mình bỏ vợ.

Nhiều nàng dâu biện minh: “Ấm ức thì phải xả”. Nhu cầu này là chính đáng nhưng vấn đề là xả cái gì, xả như thế nào và xả với ai?... Bởi nếu không cẩn thận thì ấm ức này chưa xong, ấm ức khác đã tới. Vậy, sao không xả với người ruột thịt mới – là chồng mình?

Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) từng có kinh nghiệm “xương máu” trong chuyện tương tự, chia sẻ: “Ban đầu, chồng mình hay nhắn tin qua lại với cô bạn cũ, mình tức điên vừa khóc vừa kể với mẹ đẻ. Mẹ đẻ gọi điện ngay trách mắng con rể. Sau này, dù chồng mình đã thôi không nhắn tin cho cô kia nữa. Anh ấy cũng bảo không có gì giữa họ cả.

Nhưng hồi mình sinh con, về nhà ngoại ở cữ, mẹ mình ghét chồng ra mặt. Nhiều khi bà nói xiên xỏ: “Anh có tiền nhắn tin cho gái thì cũng nên mua cho con mình hộp sữa, bịch bỉm đi”...”.

Hạnh tâm sự, chồng cô giận mẹ vợ, không bao giờ bước chân sang nhà, trừ khi có chuyện gì đặc biệt. Gặp mẹ vợ, anh chỉ chào hỏi rồi đi ra chỗ khác. Sau lần ấy, Hạnh nhiều lần trò chuyện với mẹ để bà biết con rể đã khác xưa. Tuy nhiên, tình hình cũng không cải thiện nhiều.

“Mình rút kinh nghiệm rồi. Từ giờ sẽ không kể lể với mẹ mình nữa. Có gì hai vợ chồng tự giải quyết thôi” – Hạnh cho biết.

Dù là vợ hay chồng thì khi có mâu thuẫn, cả hai phải có trách nhiệm. Nên trao đổi thẳng thắn để tìm cách gỡ, tránh lôi bố mẹ, anh chị em vào cuộc, càng phải tuyệt đối nói xấu nhà chồng (nhà vợ) với nhà mình.

Theo Mevabe

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.