Trẻ sinh non: Mẹ không “tròn”, con khó “vuông”

Bác sĩ Điền Đức Thiện Minh, Trưởng khoa Sản A BV Từ Dũ (TP.HCM), nhận định: “Trẻ một ngày được nuôi dưỡng trong bụng mẹ hơn chục ngày được chăm sóc bên ngoài. Do đó, việc phát hiện và xử lý kịp thời những nguy cơ sinh non là rất quan trọng”.

Những đứa bé sớm rời bụng mẹ

Ở tuổi 38, chị T.T.H (huyện Thuận An, Bình Dương) mang thai lần hai. Do vùng quê đi lại khó khăn, lại thấy đứa con đầu sinh ra bình thường, khỏe mạnh nên chị H. không bận tâm việc khám thai. Khi thai được 34 tuần thì chị bị đau xương chậu, đau lưng liên tục. Vài ngày sau, chị sinh non đứa con trai nặng chưa tới 2 kg.

Chị N.T.M.N (huyện Củ Chi, TP.HCM) mới 28 tuổi. Do thường ăn vặt, ít ăn cơm nên chị chỉ nặng 38 kg, người gầy ốm. Đến khi mang thai, chị N. vẫn giữ thói quen ăn vặt, bỏ cơm thường xuyên nên cơ thể vẫn tiếp tục “thon thả”. Lúc thai được 32 tuần, những cơn co bóp tử cung bắt đầu xuất hiện liên tục. Hai ngày sau, chị bị sinh non. Đứa con gái chỉ nặng 1,8 kg, phải chăm sóc đặc biệt nhưng chỉ sống không quá một tuần.

Trẻ sinh non: Mẹ không “tròn”, con khó “vuông” ảnh 1

Sản phụ cần khám thai định kỳ để phát hiện nguy cơ sinh non. Ảnh minh họa: TRẦN NGỌC

Mới đây, BV Từ Dũ tiếp nhận sản phụ V.T.L (quận Bình Thạnh, TP.HCM) trong tình trạng bị vỡ ối sớm khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết, rối loạn đông máu. Các bác sĩ chữa trị cật lực nhưng không cứu được sản phụ do máu không đông. Đứa bé được cứu nhưng chỉ sống được vài ngày do xuất huyết dạ dày, thiếu máu cấp tính và quá ốm yếu (nặng 1,6 kg).

Gần đây nhất, sản phụ H.T.T.K (huyện Bình Chánh, TP.HCM) sinh con trai đầu lòng ở tuần thứ 30, nặng 1,9 kg. Do quá nhẹ cân, sức đề kháng hầu như không có nên đứa bé bị nhiễm trùng dẫn đến viêm màng não.

Nhiều nguy cơ khi sinh non

Trẻ ra đời khi tuổi thai chỉ từ 28 đến 37 tuần (tính từ ngày sản phụ có kinh lần cuối) gọi là sinh non. Thống kê cho thấy trẻ sinh non chiếm từ 8% đến 10%, một con số khá cao. Trẻ sinh non thường gặp các triệu chứng nguy hiểm như suy hô hấp, nhiễm trùng, xuất huyết, xơ hóa võng mạc (có thể gây mù)... Trong đó, suy hô hấp là nguyên nhân gây chết hàng đầu ở trẻ sinh non.

Bác sĩ Điền Đức Thiện Minh, cho biết trên 50% không tìm được nguyên nhân sinh non. Những trường hợp xác định được sinh non bao gồm: Do thai (ối vỡ non, đa thai, đa ối, viêm màng ối, thai dị dạng...); do mẹ (hở eo cổ tử cung, tử cung dị dạng, cao huyết áp, bệnh tim, viêm nhiễm tiết niệu, viêm ruột thừa...) và do nhau thai (nhau tiền đạo, nhau bong non gây xuất huyết trước sinh...). “Sản phụ lớn tuổi, suy dinh dưỡng, nghiện thuốc lá, dùng thuốc gây nghiện khi mang thai... cũng dễ bị sinh non” - bác sĩ Minh cho biết thêm.

Trong các nguyên nhân trên, ối vỡ non và hở eo tử cung là hai nguyên nhân thường gặp nhất. Ối vỡ non là màng ối bị vỡ trước khi thai phụ chuyển dạ. Khi màng ối vỡ thì thai nhi không còn được bảo vệ, dễ bị nhiễm trùng ối, nhiễm trùng hậu sản..., gây nguy hiểm cho cả mẹ và con. Nguyên nhân gây ra vỡ ối non là do ngôi thai bất thường (ngôi ngang, ngôi mông, nhau tiền đạo, đa thai...); hở eo tử cung; viêm màng ối (do nhiễm trùng từ âm hộ, âm đạo).

Về hở eo tử cung, nguyên nhân có thể do bẩm sinh hoặc do rách cổ tử cung trong những lần sinh trước. Ngoài ra, hở eo tử cung còn do cổ tử cung bị tổn thương vì nong cổ tử cung để nạo thai trong những lần có thai trước, hoặc do phẫu thuật. Sản phụ bị hở eo tử cung dễ sinh non ở từ tuần thứ 16 đến tuần 24. Việc sinh non xảy ra đột ngột, trẻ sinh ra thường có nguy cơ chết. Bác sĩ Minh lưu ý: “Sản phụ phải khám thai sớm, ngay từ ba tháng đầu thai kỳ. Trong một vài trường hợp, thai phụ sẽ được bác sĩ khâu eo tử cung để hạn chế vỡ ối non”.

Theo các bác sĩ sản khoa, để hạn chế sinh non, điều cần nhất là sản phụ phải khám khai định kỳ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những nguy cơ sinh non. Cần ăn uống đủ chất, có nếp sống lành mạnh để thai nhi phát triển tốt.

Cách chăm sóc trẻ sinh non

Tất cả bệnh viện có khoa sản đều được trang bị đầy đủ dụng cụ cần thiết để chăm sóc trẻ sinh non. Tuy nhiên, bố mẹ và người chăm sóc cũng cần biết cách chăm sóc bé. Trẻ sinh non thiếu lớp mỡ dưới da để duy trì thân nhiệt, do vậy cần được giữ ấm bằng cách mang bao tay, vớ và đắp mền khi ngủ. Trẻ sinh non thường không khóc, ngay cả khi đói. Do vậy, khoảng ba đến bốn tiếng cho trẻ bú một lần (từ 40 ml đến 60 ml sữa). Khi bú, trẻ có thể không thở, hoặc nuốt sữa không nhịp nhàng, cần quan sát kỹ. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu xanh tái quanh miệng thì ngưng cho bú ngay. Trẻ sinh non dễ kích thích nên hạn chế tiếp xúc với người bên ngoài.

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm