Nuôi con: nỗi khổ chạy theo “chỉ tiêu”

Nuôi con: nỗi khổ chạy theo “chỉ tiêu” ảnh 1

Theo chuẩn WTO hay của bà hàng xóm?


Tôi đưa con đi chích ngừa ở bệnh viện phụ sản Hùng Vương (TP.HCM). Trước mỗi lượt chích, trẻ được khám, cân đo cẩn thận. Ở khu vực cân đo, có hàng chục bà mẹ ôm con chờ trong tâm trạng hồi hộp. Bà mẹ trẻ Bích Châu (Tân Bình) vừa cân xong cho đứa con ba tháng tuổi, mặt buồn hiu: “Hồi tháng đầu nó tăng đến ký rưỡi, mà hai tháng rồi được có một ký, lo quá!” Bà mẹ trẻ tên Vân Chi ôm con đứng gần đó chia sẻ: “Chị đổi sữa cho cháu thử xem. Con của em hồi hai tháng đầu tăng ít lắm, em lo nên không cho bú sữa mẹ, chuyển sang sữa Hàn Quốc.

Hai tháng sau mỗi tháng cháu tăng liền hai cân!” Các bà mẹ còn bàn tán các tiêu chuẩn trẻ phải đạt trong ba tháng đầu đời. Người lấy chuẩn từ cuốn cẩm nang của một công ty sữa, người lấy từ bài báo nọ, có người dẫn chuẩn của tổ chức WHO, thậm chí có cả chuẩn từ bác sĩ phòng mạch tư, chuẩn của mấy bà hàng xóm... Mỗi người đưa ra một thông số khác nhau, ai cũng khăng khăng chuẩn của mình là đúng.

Tại một hội thảo về rối loạn tiêu hoá ở trẻ do bệnh viện Nhi Đồng 1 tổ chức, một bà mẹ tên Hà tự hào phát biểu: “Bé nhà tôi sinh mổ được 2,9kg. Tôi không đủ sữa cho con nên cho bú bằng sữa xách tay ở Mỹ về. Đến tháng thứ hai, bé tăng đến 9kg!” Chủ trì hội thảo, ThS.BS Hoàng Lê Phúc – trưởng khoa tiêu hoá, liền khuyên chị Hà đưa trẻ đến khám phòng ngừa con của chị có béo phì hay bệnh lý nào khác!

Sức ép từ người thân, bạn bè cũng tạo áp lực khiến các bà mẹ trẻ đầu bù tóc rối lo ép con ăn uống đúng chuẩn đề ra. Tại phòng chờ khám béo phì cho đứa con ba tuổi, chị Vân Anh kể lể nỗi lòng: “Bữa hổm lên trường mầm non, thấy tên con mình đứng đầu bảng. Hồ hởi lại gần mới biết đó là danh sách những cháu… bị béo phì cần kiêng khem! Nhớ hồi năm đầu tiên, tháng nào đi khám định kỳ, đem cái sổ về nhà bà nội thằng nhỏ cứ nhìn chằm chằm vào mình mà hỏi “sao tháng này thằng bé tăng có nửa ký, con bé nhà bên tháng nào cũng tăng ít nhất một ký!”

Bị mẹ chồng chì chiết, tôi sốt vó tăng sữa, tăng bột, tăng cữ ăn mỗi ngày cho con. Lúc đầu nhìn thấy sữa hoặc cháo là thằng bé khóc chối inh ỏi, ăn vào nôn ra, nhưng vẫn phải ăn, ăn riết rồi ghiền. Giờ mỗi lần lên trường đón con, cô giáo cứ than phiền thằng nhỏ không chịu tập thể dục, cứ đứng dậm chân một chỗ. Mới ba tuổi đã nặng trên 25 ký, chậm chạp là phải! Nhưng định đưa con đi khám béo phì thì bà nội với các bà dì can ngăn, bàn ra tán vào. “Chuẩn” của các bà là càng tăng cân càng khoẻ”.

Đừng tự tạo vòng luẩn quẩn


ThS xã hội học Phạm Thị Thuý, giảng viên học viện Hành chính TP.HCM, cố vấn chuyên môn hội quán Các bà mẹ nhận định: “Ép con ăn, uống sữa là một cách chăm con có hại. Tâm lý của trẻ sẽ bị tổn thương. Bé sợ ăn, kém tự tin, không còn vui vẻ, hồn nhiên, thậm chí trở nên hoảng loạn, trầm cảm. Sau này trẻ lớn lên sẽ ám ảnh chuyện ăn uống, hoặc biếng ăn, hoặc ăn vô độ dẫn tới béo phì. Hơn nữa việc ép ăn chỉ càng làm trẻ chậm tiêu hoá, từ đó dinh dưỡng trong thức ăn không hấp thu được, trẻ vừa còi cọc vừa biếng ăn. Mối quan hệ mẹ con sẽ xấu đi, trẻ sợ mẹ, thấy mẹ không yêu thương mình. Từ việc ăn sẽ ảnh hưởng đến việc dạy trẻ hàng ngày”.

Bà Thuý còn cho biết: “Các nhà khoa học y khoa, tâm lý đều khẳng định không có chuẩn chung cứng nhắc cho sự phát triển của trẻ, mỗi trẻ có một thể tạng riêng. Chuẩn mà chúng ta thấy trên các phương tiện truyền thông chỉ mang tính tương đối, là những cột mốc để cha mẹ chăm trẻ có định hướng, biết con mình trong kênh sức khoẻ nào để điều chỉnh cho phù hợp. Nhưng các kênh sức khoẻ như chiều cao, cân nặng đều có một khoảng rộng, nhiều trẻ chênh nhau vài cân nhưng vẫn cùng một kênh. Vậy tại sao cha mẹ phải chạy theo những con số tối đa rồi bắt con khổ sở vì ăn?

Nếu trẻ vẫn chơi vui vẻ, không đau ốm thì dù cân nặng của trẻ có ít so với trẻ cùng lứa vẫn được bác sĩ cho là trẻ phát triển bình thường, không có gì phải lo lắng. Trẻ chơi ngoan, không có dấu hiệu bệnh tật thì người mẹ có thể yên tâm cho con ăn uống theo nhu cầu của trẻ. Bữa này trẻ bỏ ăn thì bữa sau đói trẻ sẽ ăn bù. Nguyên tắc càng ép càng sợ ăn rất hay bị các bà mẹ quên, ám ảnh con còi làm các mẹ mất hết lý trí. Vòng luẩn quẩn này thường do chính các bà mẹ tạo ra. Người mẹ cần đủ tự tin để chăm con dựa trên kiến thức khoa học”.

Theo Nguyên Cao (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm